Bóng hồng '17 năm có một' của lớp học công nghệ ô tô

08/03/2023 09:04

Rời bỏ công việc thiếu sự thách thức ở công ty may, Lê Thị Huyền vào trường nghề học "khám - chữa bệnh" cho những chiếc xe ô tô.

Theo đại diện Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Hà Nội (trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Lê Thị Huyền là nữ sinh đầu tiên theo học ngành Công nghệ ô tô trong lịch sử 17 năm nhà trường tổ chức đào tạo ngành này.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 1

Trong xưởng thực hành nghề công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ, sau tiết học lý thuyết, Lê Thị Huyền xắn cao tay áo, búi gọn mái tóc và tháo hết vòng, nhẫn đeo trên tay ra để bắt đầu giờ thực hành.

Nữ sinh cùng cả lớp bước ra khu vực thực hành cách bục giảng lý thuyết khoảng chục bước chân. Theo thói quen, em luôn đứng cạnh giảng viên. Nghe phổ biến nội dung thực hành xong, Huyền thường là cái tên đầu tiên được thầy cô ưu tiên giao mở nắp ca-pô ô tô và tiến hành ứng dụng lý thuyết.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 3

Thực hành theo nhóm 3 người, Huyền lọt thỏm giữa 2 nam sinh cao lớn. Nhưng khi cầm cờ lê vặn ra, lắp vào các bộ phận của chiếc ô tô, bàn tay nhỏ bé của nữ sinh cũng thoăn thoắt, khỏe không kém gì các bạn nam. Có lúc, Huyền lại ngồi nghe giảng viên hướng dẫn ngay dưới gầm ô tô.

Sau gần 2 năm học nghề, giờ đây, nữ sinh đã có thể tự tin đấu mạch điện trên một chiếc ô tô, đánh bóng và sơn ô tô. Em đang tập trung vào học tốt phần "chẩn đoán bệnh" cho ô tô, đây cũng là hướng đi mà nữ sinh mong muốn theo đuổi trong tương lai.

Huyền nhận thấy, học công nghệ ô tô không hề nặng nhọc như em từng tưởng tượng.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 5

Lê Thị Huyền quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2020, tốt nghiệp Trường THPT Đông Sơn 1, Huyền từng dự định theo ngành y, dược dựa vào thế mạnh của mình ở những môn toán, hóa học và sinh học. Em từng đoạt giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi sinh học cấp huyện.

Huyền cùng một vài người bạn nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội, mục đích là được học cùng bạn thân. Tuy nhiên, ngày tất cả nhận thông báo trúng tuyển, các bạn đều quyết định không nhập học mà rẽ sang những ngành, nghề khác. Thấy vậy, Huyền cũng từ bỏ lựa chọn này.

"Không có bạn học cùng, em không theo được. Lúc đó, em cũng nhận ra mình chưa thực sự quyết tâm với ngành học này. Nếu có thì em đã tự mình đi con đường đó mà không cần bạn bè đồng hành", Huyền nói.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 7

Lê Thị Huyền - sinh viên năm 2, ngành Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Ảnh: NVCC).

Vậy là Huyền cất gọn giấy báo trúng tuyển vào ngăn tủ. 2 tháng sau ngày tốt nghiệp cấp 3, cô gái sinh năm 2002, khi ấy 18 tuổi, xin vào làm công nhân kiểm hàng cho một công ty may gần nhà. Huyền làm quần quật từ 8-10 tiếng mỗi ngày, nhận lương từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Cùng thời điểm đó, cách công ty nơi Huyền làm khoảng 170km, hơn một nửa bạn bè trong lớp cấp 3 của em nhập học vào khắp các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội. Mỗi buổi sáng, Huyền lại thấy những chuyến xe chở bạn bè mình ra thành phố học hành, còn mình lái xe vào công ty.

Những giờ giải lao trong công ty, Huyền "lướt" Facebook thấy các bạn đồng loạt đăng ảnh check-in tại giảng đường mới, ai cũng xúng xính áo quần. Nhìn lại bản thân phải một mình đi làm từ sớm, em tủi thân.

"Suốt thời gian làm công nhân, em thấy mình không phù hợp với công việc này. Em còn muốn đi đến nhiều nơi, khám phá nhiều điều mới mẻ, nhưng cuộc sống của em lúc đó là một vòng lặp. Buổi sáng ngủ dậy rồi đi làm, em về nhà khi đèn đường đã lên, những ngày tiếp theo cũng vậy.

Em nghĩ, mình mới chỉ 18 tuổi, nên tìm thêm những cơ hội khác để phát triển bản thân, nếu không thì đáng tiếc. Một buổi chiều trong nhà máy, ước mơ đi học bừng lên trong em", Huyền nói.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 9

Huyền có thể hình nhỏ bé nhất trong tập thể lớp toàn con trai (Ảnh: Quang Trường).

Tháng 4/2021, sau gần nửa năm làm công nhân, Huyền xin nghỉ việc. Em về nhà, nói với mẹ rằng: "Con không đi làm nữa đâu, con sẽ đi học tiếp". Cô gái lao vào tìm hiểu xem những ngành, nghề, ngôi trường nào phù hợp để đăng ký học.

Nhiều người thân, bạn bè và cả kết quả tìm kiếm trên Google đều khuyên em học những ngành Kế toán, Chăm sóc sắc đẹp, Dịch vụ nhà hàng - khách sạn. Tuy nhiên, Huyền chỉ ấn tượng với ngành Công nghệ ô tô vì "em thấy nó lạ, hơn nữa, em nghe nói ngành đó rất hot trong tương lai".

Huyền có một người anh trong họ cũng học nghề này, hơn em 2 tuổi, vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Thanh Hóa đã có việc làm với thu nhập tốt, có thể tự mua xe máy, sắm sửa đồ đạc cho mình và gia đình.

Anh bảo Huyền, nghề này không quá vất vả, nặng nhọc như nhiều người nghĩ vì hầu như máy móc đã làm thay con người. Quan trọng nhất là tư duy và kỹ năng nghề. Nghe anh nói, Huyền có thêm động lực thôi thúc em đến gần hơn với ngành Công nghệ ô tô.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 10

Huyền đo áp suất nén của động cơ xăng trong một giờ học tại xưởng thực hành ngành Công nghệ ô tô (Ảnh: Quang Trường).

Tham khảo trên mạng, Huyền tìm được một số video, hình ảnh về những nữ sinh nước ngoài học sửa chữa, bảo dưỡng ô tô. Em nghĩ bụng: "Người ta làm được thì mình cũng phải làm được".

Huyền quyết định đặt bút đăng ký học ngành Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ.

Nữ sinh cho rằng, lựa chọn nghề này phù hợp với cá tính mạnh mẽ của em. Huyền nhớ lại, từ nhỏ đến lớn, em chơi nhiều với các bạn nam hơn bạn nữ. Em cũng góp mặt trong bất kỳ trò chơi nào của đám con trai thời thơ ấu, thích nhất là chơi bắn bi. Khi các bạn xảy ra cãi vã hay đánh lộn, Huyền luôn đứng ra can thiệp, giảng hòa.

"Em hoàn toàn có thể học ngay tại Thanh Hóa, tuy nhiên, em muốn được ra khỏi vùng an toàn là quê hương để khám phá những vùng đất mới. Em tham khảo từ nhiều nguồn, thấy ngôi trường em lựa chọn có uy tín và thế mạnh về đào tạo công nghệ ô tô. Học tại đây, em có thể ở nhà người thân gần trường mà không tốn tiền thuê nhà trọ", Huyền cho biết.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 12

Sau cả năm không đến trường, lại chọn một ngành học đầy "nam tính", điều khiến nữ sinh đắn đo nhất là việc hòa nhập với tập thể lớp. Nhiều bạn bè của em đi học đại học về từng cảnh báo, môi trường đại học, cao đẳng không gần gũi như ở cấp 3.

Huyền sợ mình lạc lõng chứ không sợ phải học hành vất vả, nặng nhọc. Bởi từ năm học lớp 9, em đã quen với nắng, mưa trên những cánh đồng. Ngoài giờ học, em thường xuyên cùng mẹ ra đồng, mùa nào làm việc nấy quanh năm.

"Cong lưng cấy lúa, gặt lúa em còn làm được, nên em nghĩ việc học về ô tô không mấy vất vả đối với em", Huyền nói.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 14

Sau học kỳ thứ nhất học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Huyền đến trường lần đầu tiên vào học kỳ 2 và nhận được học bổng loại giỏi cho kết quả học tập tốt ở học kỳ 1.

Dù đã có khoảng thời gian làm quen khi học trực tuyến, nhưng suốt tuần đầu học trực tiếp, Huyền vẫn chưa dám nói chuyện với ai trong lớp. Em bị ngợp bởi lớp toàn bạn nam. Cùng ngồi trên lớp nhưng em chỉ dám giao tiếp với các bạn bằng cách nhắn tin.

Huyền may mắn được ngồi phía dưới cùng bạn đồng hương. Một hôm, em nhắn tin cho bạn này và bảo: "Mày ơi, có mình tao là con gái đi học ngại lắm, may có mày cùng quê với tao, nếu mày tiện thì hằng ngày dẫn tao vào lớp học với nhé".

Vậy là Huyền đi học bằng xe buýt, xuống xe ở đầu đoạn đường dẫn vào trường. Bạn nam kia đi xe máy đến chở em tới trường, cùng đi lên lớp.

Những buổi đầu làm quen với phòng thực hành, Huyền còn ngại khi phải sờ vào những thiết bị, động cơ ô tô. Biết có phòng vệ sinh được trang bị đầy đủ xà phòng để rửa chân tay sau giờ học, em mới yên tâm.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 16

Nhớ lần học mô - đun nguội, Huyền nhận được đề bài là cưa đứt một thanh sắt tròn, to bằng lưỡi cưa dẹp. Yêu cầu này khiến em hơi hoảng.

"Em thầm nghĩ, cưa tay thế thì bao giờ mới xong. Nhưng cuối cùng, em đã có thể hoàn thành bài tập trong buổi học. Trong thực hành, so với các bạn nam thì em không nhanh hơn nhưng nhiều khi cũng ngang ngửa", Huyền nói.

Hiện tại, Huyền tự tin với kỹ năng đánh bóng và sơn của mình. Đó là kết quả từ một lần thực hành lỗi khi học đánh bóng. Em đã làm hỏng một miếng sơn trên xe của thầy giáo. Thầy ra đề bài là em phải sửa lại cho mới và đẹp hơn. Dưới sự hướng dẫn của thầy, đồng thời nhờ một bạn nam hỗ trợ, em đã giải được yêu cầu thầy giao.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 18

Từ ngày học công nghệ ô tô, Huyền hạn chế nhất có thể việc làm nail (chăm sóc, làm đẹp móng tay) dù đây là sở thích của em trước đó.

"Nếu làm nail thì không thể thực hành được do móng tay dài sẽ vướng víu, bản thân mình sợ hỏng lớp sơn trên móng tay thì không thể chuyên tâm vào học hiệu quả được.

Em chỉ làm nail vào những ngày nghỉ lễ, tết. Trước khi quay lại trường học, em sẽ tháo ra. Có lần, em làm nail chỉ để đi dự đám cưới bạn một ngày xong phải tháo ra luôn để hôm sau lên lớp thực hành", Huyền nói.

Sau gần 2 năm học nghề, Huyền thấy hôm nào đi học cũng "vui như Tết" vì được thầy cô, các bạn nhiệt tình giúp đỡ, được trò chuyện với nhau sau mỗi giờ thực hành. Hôm nào không đi học, em cảm thấy buồn, bạn bè liên tục gọi hỏi lý do nghỉ học.

Bóng hồng 17 năm có một của lớp học công nghệ ô tô - 20

Huyền cùng giáo viên chủ nhiệm trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2022 (Ảnh: NVCC).

Huyền cho biết, trong ngành Công nghệ ô tô, em có thiên hướng học những nội dung cần phải tư duy, tính toán. Vì vậy, công việc em yêu thích là "bắt bệnh" cho ô tô, tức là tìm ra lỗi của ô tô, việc này đòi hỏi kỹ năng nghề rất cao hoặc làm nhân viên tư vấn dịch vụ tại các đại lý bán hàng và trung tâm dịch vụ sau bán hàng của các hãng ô tô.

Theo nữ sinh này, đó cũng là một số định hướng mà các bạn nữ muốn theo đuổi ngành công nghệ ô tô có thể tham khảo.

Huyền dự định, sau khi hoàn thành chương trình học cao đẳng, em sẽ học liên thông lên đại học.

Cô Phan Thị Kim Thương - Giáo viên chủ nhiệm của Huyền cho biết, em là sinh viên nữ duy nhất của khoa và rất tích cực học hành.

"Thời gian đầu khi cô trò chưa tiếp xúc trực tiếp với nhau, bạn ấy chủ động nhắn tin cho tôi để chia sẻ về những e ngại khi chỉ có mình là con gái giữa tập thể lớp toàn con trai. Tôi gỡ rối bằng cách tạo điều kiện cho em tham gia các hoạt động của đoàn thanh niên nhà trường. Qua đó, em được mở rộng mối quan hệ với nhiều nữ sinh của các khoa khác và hòa nhập rất nhanh.

Về mặt thể lực và kỹ năng, Huyền không hề kém cạnh các bạn nam nhưng lại có ý thức học rất tốt. Trong giờ thực hành, khi chưa đến lượt mình thì bạn ấy sẽ chịu khó quan sát các bạn nam làm trước để học theo", cô Thương nói.

Nội dung: Quang Trường

Thiết kế: Thủy Tiên

08/03/2023

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bong-hong-17-nam-co-mot-cua-lop-hoc-cong-nghe-o-to-20230221185820767.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/bong-hong-17-nam-co-mot-cua-lop-hoc-cong-nghe-o-to-20230221185820767.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
  • Bà Trương Mỹ Lan: Chỉ cần bán 10% tài sản đã thu được 500.000 tỷ đồng
    Tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng công ty định giá tài sản trong vụ án đã định giá chưa chính xác. Chỉ cần 10% tài sản là bất động sản đã thu được 500 ngàn tỷ đồng.
  • Nói dối vì...yêu
    Nhiều người luôn khăng khăng đòi sự thật và cho rằng sự trung thực, thật thà là giá trị làm nên sự bền vững của hôn nhân. Nhưng trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn mới thấy, đôi khi nói dối cũng là một biểu hiện của yêu thương một người.
  • Bầu cử ở Mỹ được đảm bảo an ninh ra sao?
    Việc đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ quan trọng chẳng kém lựa chọn trong các lá phiếu của cử tri. Với ứng viên Donald Trump và Kamala Harris, việc đảm bảo an toàn được thực hiện ra sao?
  • Nhiều nghệ sĩ quyền lực bỏ phiếu cho bà Harris làm tổng thống Mỹ
    Buổi vận động tranh cử của bà Kamala Harris tối 4/11 gây chú ý vì sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ quyền lực như ca sĩ Lady Gaga, ông hoàng nhạc Latin Ricky Martin, ca sĩ will.i.am...
  • Quên hết nỗi sầu ở Suôi Thầu
    Có một miền xinh đẹp hoang sơ ở Hà Giang mang tên Suôi Thầu. Nơi đây không có nhà cao tầng, khói bụi, tiếng còi xe... khiến ta như tạm quên hết những bộn bề của cuộc sống...
Đừng bỏ lỡ
Bóng hồng '17 năm có một' của lớp học công nghệ ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO