Theo BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, trong các vụ cháy, nguyên nhân các nạn nhân thiệt mạng thường do bỏng hô hấp, chứ không phải bỏng ngoài da như nhiều người nghĩ.
Hỏng hô hấp là gì?
BS Hiệp cho biết, đến 80% người chết trong các vụ cháy là do bỏng hô hấp, nghĩa là hít phải khí độc (CO, HCN từ sản phẩm cháy như nhựa, sản phẩm công nghiệp), hít phải nhiệt độ cao hoặc ngạt khí chứ không phải do bị bỏng ngoài da. Họ qua đời trước khi bị lửa tấn công vào thân thể.
Tổn thương ngoài da (bỏng da) và bỏng hô hấp là hai tình trạng khác nhau. Bỏng hô hấp là tổn thương đến phổi, ngăn chặn nguồn oxy cung cấp cho cơ thể. Khi chức năng hô hấp của phổi không còn, khả năng tử vong rất nhanh và rất cao.
Bỏng ngoài da do cháy chỉ là tổn thương da, không gây tử vong nhanh và cao như bỏng hô hấp.
“Bỏng ngoài da cũng tác động vào thân thể, nhưng bỏng trực tiếp gây chết người nhanh nhất là bỏng hô hấp. Có nhiều trường hợp tử vong trước khi bị cháy”, BS Hiệp cho biết.
BS Hiệp nhớ lại khi mới ra trường, ông chứng kiến một vụ cháy kinh hoàng ở TP.HCM. Trong hỏa hoạn đó, dàn xe máy bùng lửa dữ dội trong một tòa nhà, bên trên rất nhiều người thoát ra không hề bị lửa bén vào thân thể. Họ được đưa vào bệnh viện nhưng chỉ lát sau tất cả đều khó thở và phải đặt nội khí quản hết vì phổi tổn thương do bỏng hô hấp.
“Điều đó có nghĩa là chưa cần tiếp xúc với lửa, dù thoát được nhưng người đó vẫn có nguy cơ tử vong do hít phải khí độc. Ra trường mấy chục năm rồi tôi vẫn ám ảnh sự vệc ấy, không hề bị cháy nhưng lại có thể chết”, BS Hiệp nói.
Cách hạn chế bỏng hô hấp
Theo BS Hiệp, nhiều vụ cháy mà người bên trong không thoát ra được như cháy trong hẻm cụt, nhà khóa kín hoặc dù cháy căn nhà ở phía trước mà người ở phía sau không có không gian thoáng thì cũng có thể qua đời do hít phải khí độc.
Nếu không thoát được ngay thì mọi người nên đi vào phòng tắm, xả nước hoặc dùng khăn ướt che miệng để thở. Điều này sẽ hạn chế bỏng hô hấp bởi vì bị bỏng thường cộng thêm bỏng hô hấp nữa thì xác suất tử vong rất cao.
“Người trong đám cháy phải chú ý đến bỏng hô hấp hơn là bỏng da. Phải làm sao thoát được mà không bị bỏng hô hấp bằng cách dùng khăn ướt, vải ướt,.. che miệng. Phải tìm cách tránh hít phải khí độc, khói và bụi than trước khi tìm cách thoát ra ngoài, như vậy mới chế tử vong”, BS Hiệp chia sẻ.
Về cấp cứu nạn nhân trong hỏa hoạn, BS Hiệp cho rằng, các bác sĩ sẽ lưu ý nạn nhân bị bỏng hô hấp hay không, hít phải khí độc và tổn thương phổi hay không trước khi kiểm tra cháy da thông thường. Bởi đôi khi cơ thể không hề có một vết cháy nào nhưng phổi đã tổn thương, khí quản đã tràn khí độc do bỏng hô hấp gây ra.