Bóng đá Việt Nam nhìn từ các đời huấn luyện viên ngoại

TAM NGUYÊN| 29/04/2024 14:33

Với 11 đời huấn luyện viên ngoại, đội tuyển bóng đá Việt Nam mới chỉ có 2 chức vô địch AFF Cup.

Bóng đá Việt Nam nhìn từ các đời huấn luyện viên ngoại
Ông Park Hang-seo là huấn luyện viên ngoại có thời gian làm việc với bóng đá Việt Nam lâu nhất. Ảnh: VFF

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang trong giai đoạn tìm huấn luyện viên trưởng mới cho đội tuyển bóng đá nam quốc gia. Thông tin chắc chắn nhất cho đến lúc này là sự định hướng về một huấn luyện viên ngoại.

Trong phân tích của giới chuyên môn, lựa chọn huấn luyện viên ngoại vừa mang tính “an toàn”, vừa có thể giúp cầu thủ Việt Nam phát triển hơn với những phương pháp huấn luyện hiện đại.

Về lý thuyết, điều đó đương nhiên đúng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, các huấn luyện viên ngoại có thực sự nâng tầm cho bóng đá Việt Nam? Hay nói một cách trực diện hơn, bóng đá Việt Nam có đủ chất liệu để các huấn luyện viên ngoại “gột nên hồ” hay không?

Ông Park Hang-seo được đánh giá là người thành công nhất trong các đời huấn luyện viên ngoại, cả về mặt thời gian lẫn thành tích. Thời gian là 5 năm, thành tích là chức vô địch AFF Cup (2018) của đội tuyển và nhiều dấu ấn khác cùng đội U23.

Nhưng nếu bỏ đi bóng đá trẻ, 5 năm của huấn luyện viên người Hàn Quốc cũng chỉ có 1 chiếc cúp như Henrique Calisto - vô địch AFF Cup năm 2008.

Có 2 vấn đề ảnh hưởng đến việc huấn luyện viên ngoại có thành công với đội tuyển Việt Nam hay không. Một là nhân sự có đủ tốt hay không? Hai là bóng đá Việt Nam có đủ kiên nhẫn hay không?

Nói về nhân sự (tình từ thời điểm bắt đầu có huấn luyện viên ngoại), có thể thấy, 3 giai đoạn bóng đá Việt Nam được đánh giá là có “thế hệ vàng” theo chu kỳ khoảng 10 năm - cuối những năm 1990, cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 và cuối thập niên thứ hai.

Các huấn luyện viên nổi bật ở các giai đoạn đó là Karl-Heinz Weigang (Đức), Alfred Riedl (Áo), Calisto (Bồ Đào Nha) và Park Hang-seo. Trong số này, cố huấn luyện viên người Áo còn có 2 giai đoạn khác dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Ông Calisto cũng có 2 giai đoạn, nhưng giai đoạn đầu chỉ có 4 tháng trong năm 2002.

Huấn luyện viên Philippe Troussier là người mới nhất thất bại với đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF
Huấn luyện viên Philippe Troussier là người mới nhất không thành công với đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF

Nói đến chuyện “thế hệ vàng”, rõ ràng, bóng đá Việt Nam vẫn phải chờ đợi đến một giai đoạn nào đó để tập hợp được một dàn nhân sự có chất lượng đồng đều chứ không phải đồng đều về chất lượng đào tạo cầu thủ qua từng năm.

Do đó, thành công không được duy trì ổn định, thiếu tính kế tục để các huấn luyện viên có thể kéo dài hơn thời gian làm việc nhằm phát triển trình độ - giống như nhiều đội tuyển hàng đầu trên thế giới.

Và nói về thời gian, như đã nói trên, ngoài ông Park, chỉ có Calisto là người kéo dài thời gian ngồi ghế huấn luyện đội tuyển Việt Nam đến 3 năm - chính xác là 33 tháng. Không cộng gộp các giai đoạn thì ông Riedl cũng chỉ có 2 năm ở 2 giai đoạn.

Weigang, Toshiya Miura (Nhật Bản) cũng trong khoảng 2 năm. Edson Tavares, Dido (Brazil), Colin Murphy (Anh), Falko Gotz (Đức), Philippe Troussier (Pháp) trong khoảng trên, dưới 1 năm.

Khoảng thời gian như vậy có thể do không hợp, nhưng vẫn phải khẳng định phần lớn nguyên nhân xuất phát từ nội tại bóng đá Việt Nam cũng như sự kiên nhẫn là thứ xa xỉ, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn vào quốc tịch các huấn luyện viên từng đến Việt Nam làm việc, không phải không có sự cố gắng đi theo những phong cách bóng đá tân tiến, nhưng nhìn chung, khi “bột” còn chưa tốt thì thành công hay không vẫn cần đến đôi chút may mắn.Vậy nên, có huấn luyện viên ngoại hay không thì bóng đá Việt Nam trước tiên phải xử lý vấn đề của chính mình.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/bong-da/bong-da-viet-nam-nhin-tu-cac-doi-huan-luyen-vien-ngoai-1333707.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/bong-da/bong-da-viet-nam-nhin-tu-cac-doi-huan-luyen-vien-ngoai-1333707.ldo
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Bóng đá Việt Nam nhìn từ các đời huấn luyện viên ngoại
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO