'Bong bóng' cổ phiếu casino vỡ tan

26/03/2021 15:04

Sau chuỗi 34 phiên tăng trần liên tục từ vùng giá chỉ hơn 5.000 đồng lên đỉnh 46.150 đồng, cổ phiếu RIC giảm sàn 15 ngày tiếp theo và bốc hơi 66% giá trị.

Phiên 25/3 đánh dấu tròn ngày giao dịch liên tục cổ phiếu RIC của Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia giảm sàn liên tiếp. Từ mức giá đỉnh kỷ lục 46.150 đồng phiên 4/3, cổ phiếu này đã mất 2/3 giá trị chỉ còn 15.750 đồng sau 3 tuần.

Trước đó, RIC là một hiện tượng đặc biệt trên sàn chứng khoán khi tăng trần liên tục 34 phiên từ ngày 11/1. Dù chứng khoán Việt Nam trải qua đợt giảm mạnh nhất lịch sử 21 năm vào cuối tháng 1, cổ phiếu này vẫn miễn nhiễm với sự rung lắc của thị trường chung và tiếp tục đà tăng phi mã của mình.

Mất thanh khoản khi rơi tự do

Từ thị giá chưa đến 5.000 đồng vào đầu tháng 1, cổ phiếu này tăng gần 9 lần lên mức đỉnh sau 2 tháng. Nhà đầu tư mua vào cổ phiếu RIC vào những ngày đầu tiên của năm 2021 có thể thu lời gần 900% nếu bán ra cổ phiếu vào phiên 4/3.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lao theo con sóng tăng nóng của RIC có thể đã “kẹt hàng”, chưa thể bán ra khi cổ phiếu này rơi tự do. Thống kê cho thấy trong 34 phiên tăng trần từ 11/1 đến 4/3, khối lượng giao dịch của RIC đạt bình quân gần 51.300 đơn vị/phiên với mức cao nhất là 267.500 cổ phiếu giao dịch trong phiên 26/2.

Tuy nhiên, từ khi bắt đầu chuỗi ngày giảm kịch biên độ từ 5/3 đến nay, bình quân chỉ có 24.840 cổ phiếu RIC được chuyển nhượng mỗi phiên. Nếu loại trừ phiên giảm sàn đầu tiên vào ngày 5/3 với 302.200 đơn vị khớp lệnh chỉ có hơn 5.000 cổ phiếu RIC được giao dịch trung bình mỗi phiên từ ngày 6/3 đến nay.

'Bong bóng' cổ phiếu casino vỡ tan
Thanh khoản của RIC lập đỉnh vào ngày giảm sàn đầu tiên rồi sụt mạnh trong những phiên tiếp theo. Ảnh: Tradingview.

Không phải trường hợp hiếm

Thị giá RIC điều chỉnh mạnh sau chuỗi tăng nóng là điều đã được nhiều nhà đầu tư dự báo trước khi diễn biến của cổ phiếu này hoàn toàn ngược chiều với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty Quốc tế Hoàng Gia là chủ sở hữu khách sạn casino Royal Hạ Long. Năm 2020, khách sạn casino lớn nhất Hạ Long này sụt giảm gần 50% doanh thu còn 126 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất của doanh nghiệp này từ năm 2006.

Với doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khoản lỗ sau thuế năm 2020 của chủ khách sạn casino này là 82 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng lỗ ròng 73 tỷ vào năm 2019.

Tính đến cuối năm 2020, Công ty Quốc tế Hoàng Gia lỗ lũy kế 310 tỷ đồng. Cổ phiếu này vẫn nằm trong diện kiểm soát của HoSE.

Giai đoạn vừa qua cũng không ghi nhận thông tin tích cực đặc biệt nào liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Với việc các hoạt động đi lại, du lịch, lữ hành quốc tế vẫn đóng băng vì dịch Covid-19, chủ sở hữu khách sạn Royal Hạ Long này nhiều khả năng vẫn chưa thể đón khách nước ngoài vào casino của mình trong năm 2021.

Chia sẻ với Zing, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam (MBKE), ông Phan Dũng Khánh cho biết hiện tượng các cổ phiếu của những doanh nghiệp hoạt động bình thường hoặc không tốt đột ngột tăng nóng rồi giảm mạnh ngay sau đó không phải là hiếm trên thị trường chứng khoán.

“Diễn biến này thường chỉ có ở cổ phiếu nhỏ, dưới mệnh giá. Lý do là những cổ phiếu thị giá thấp dễ mang lại lợi nhuận cao nên nhiều người muốn đầu tư ngắn, kiếm tiền ngay. Họ không giữ cổ phiếu dài hạn và cũng không quan tâm gì sâu xa hơn”, ông Khánh phân tích.

Theo chuyên gia tài chính này, không chỉ nhà đầu tư cá nhân mới (F0), mà những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cũng tham gia lướt sóng những cổ phiếu này. Những người có kinh nghiệm hơn có thể kịp bán ra trước khi cổ phiếu rơi tự do và thanh khoản giảm mạnh. Ngược lại, có những nhà đầu tư sẽ không kịp thoát hàng giai đoạn cổ phiếu giảm sâu.

Ông Khánh cho rằng nhà đầu tư nếu có nhiều kinh nghiệm, chịu rủi ro tốt và quen với kiểu đầu tư này có thể lướt sóng được với những cổ phiếu tăng nóng dù kết quả kinh doanh không tốt. Nếu không, chuyên gia đưa ra lời khuyên nên tránh xa những trường hợp tương tự.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Bong bóng' cổ phiếu casino vỡ tan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO