Nhiều chính phủ và ngân hàng trung ương khắp thế giới đang khám phá mục đích sử dụng tiền số CBDC. Một số nước như Trung Quốc thử nghiệm CBDC tập trung cho bán lẻ (retail CBDC) để thay thế tiền mặt trong lưu thông, trong khi số khác cân nhắc dùng CBDC bán buôn (wholesale CBDC) để cải thiện hệ thống tài chính, chỉ dùng cho thanh toán liên ngân hàng.
Hầu hết các dự án đều ở giai đoạn đầu phát triển và hướng tới thị trường nội địa. Phát triển quy định và khuôn khổ toàn cầu về cách dùng CBDC trên phạm vi quốc tế vô cùng phức tạp về mặt kỹ thuật và chính trị.
Theo tuyên bố chung từ Ngân hàng Dự trữ Australia, Ngân hàng Negara Malaysia, Cơ quan Tiền tệ Singapore, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi và Trung tâm đổi mới của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), mục tiêu của dự án hợp tác giữa các tổ chức này là phát triển nguyên mẫu nền tảng chia sẻ cho giao dịch xuyên biên giới sử dụng CBDC.
Các nền tảng sẽ cho phép các tổ chức tài chính giao dịch trực tiếp với nhau bằng CBDC, loại bỏ trung gian và giảm thời gian, chi phí giao dịch. Sáng kiến cũng tìm kiếm các thiết kế kỹ thuật, quản trị và vận hành khác nhau.
Trợ lý Thống đốc Fraziali Ismail của Ngân hàng Negara Malaysia cho biết: “Nền tảng chia sẻ đa CBDC có tiềm năng “đi tắt đón đầu” các thỏa thuận thanh toán hiện tại và phục vụ như một nền tảng cho hệ thống thanh toán quốc tế hiệu quả hơn”.
Một dự án khác do BIS dẫn đầu, nghiên cứu sử dụng CBDC cho thanh toán xuyên biên giới cũng đang diễn ra với sự tham gia của các ngân hàng trung ương Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan và UAE.
Du Lam (Theo Nikkei)