Bom lượn FAB-1500 nguy hiểm như thế nào?

21/01/2024 16:12

Không quá khó để hình dung sức hủy diệt của một quả bom nặng 1,5 tấn, đặc biệt quả bom này có khả năng tấn công chính xác cao nhờ hệ thống cánh lượn được gắn ngoài. Đó là những đặc điểm dễ nhận diện của bom lượn FAB-1500 đang nằm trong biên chế Quân đội Nga.

Điểm khác biệt của FAB-1500 chính là bộ công cụ gồm cánh lượn có thể gấp gọn, hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh kết hợp chỉ thị laser có tên gọi UMPK. Ở biến thể mới nhất, bộ công cụ này còn được trang bị động cơ phản lực giúp tăng tầm hoạt động của bom.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga kiểm tra công tác chế tạo và hoán cải bom lượn FAB-1500. Ảnh: RIAN 

Nhờ hệ thống thiết bị nói trên, một quả bom thông thường có thể biến thành vũ khí chính xác cao với sai số lệch mục tiêu chỉ khoảng vài mét. Ngoài ra, chi phí sản xuất rẻ cũng khiến việc phổ biến loại vũ khí này trở nên dễ dàng.

Bom FAB-1500 có thể được trang bị trên các dòng máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35. Khi thả ở độ cao 12km, bom lượn này có tầm hoạt động tới 60km và 150km với phiên bản có động cơ phản lực. Tốc độ bay của bom lượn lên tới 1.900km/giờ nên rất khó bị phát hiện và đánh chặn. Điều này giúp cho các máy bay Nga có thể ném bom tương đối chính xác từ xa mà không cần đi vào khu vực không phận tranh chấp, tránh nguy cơ bị phòng không đối phương bắn rơi.

Khi tấn công mục tiêu, sức công phá của bom tạo ra một hố sâu tới 15m, vùng ảnh hưởng rộng tới 500m. Thực tế chiến trường Ukraine đã chứng minh, bom FAB-1500 có thể phá hủy các hầm nằm sâu tới 20m dưới lòng đất và xuyên qua 3m bê tông cốt thép.

Để tăng hiệu quả tác chiến, bom lượn có thể được sử dụng phối hợp cùng với tên lửa hành trình và UAV tự sát, khiến hệ thống phòng không đối phương bị quá tải hoặc tấn công nhầm.

THẾ TRUYỀN

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bom lượn FAB-1500 nguy hiểm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO