Bồi thường 252.000 đồng/m2 đất ở Ciputra Hà Nội: Bộ TN-MT nói gì?

Phùng Minh| 19/06/2023 15:20

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận mức giá bồi thường cho đất nông nghiệp ở Hà Nội hiện nay rất thấp; dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định mới khắc phục việc này.

Sáng 19/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường gặp gỡ báo chí để thông tin về sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của dự án Luật Đất đai liên quan đến giá đất quy định tại Chương XI.

Bồi thường 252.000 đồng/m2 đất ở Ciputra Hà Nội: Bộ TN-MT nói gì? - 1

Khu đô thị Ciputra nhìn từ đường Vành đai 3 (Ảnh: Hà Phong).

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (tổ trưởng tổ soạn thảo dự án luật) cho biết, dự thảo đã làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất…

Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: Phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.

Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát, thông tin về doanh thu, chi phí, thu nhập từ việc sử dụng đất theo thị trường.

Dự thảo luật cũng quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.

Quy định UBND cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đã sửa đổi quy định các nguồn thu ngân sách từ đất đai; quy định tiền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được ổn định cho chu kỳ 5 năm tính từ thời điểm Nhà nước quyết định cho thuê đất và mức điều chỉnh tăng không quá 15% so với chu kỳ trước đó; giá đất để tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được ổn định trong 5 năm.

Quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, cấp huyện, đồng thời mở rộng thành viên hội đồng là người có chuyên môn về giá đất.

Tại cuộc họp, báo chí dẫn chứng ví dụ cụ thể về việc UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) ban hành quyết định thu hồi đất để chỉ áp mức bồi thường 252.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, trong khi giá biệt thự ở đây được rao bán 300-400 triệu đồng/m2, khiến người dân phường Phú Thượng chưa đồng thuận.

"Việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có khắc phục được những bất cập trong xác định giá đất hiện nay, tránh những chuyện tương tự như ở quận Tây Hồ với mức giá đền bù thấp như vậy không?", báo chí đặt vấn đề.

Bồi thường 252.000 đồng/m2 đất ở Ciputra Hà Nội: Bộ TN-MT nói gì? - 2

Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo Thủ tướng về những khiếu nại của người dân phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) xung quanh việc thu hồi đất thực hiện dự án Ciputra (Ảnh: Hà Phong).

Ông Đào Trung Chính thừa nhận bảng giá đất nông nghiệp ở Hà Nội hiện nay rất thấp.

"Đây là thực tiễn, có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ phía chúng ta muốn thu hút đầu tư, chậm trong việc điều chỉnh, bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ...", ông Chính nói.

Theo ông Chính, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề xuất bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất hàng năm - bảng giá đất sẽ giao cho HĐND các địa phương ban hành, đảm bảo sát thực tiễn và điều kiện ở địa phương.

Tổ trưởng Tổ soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định, nếu ấn định giá đất thấp để thu hút đầu tư thì khi thu hồi đất sẽ xảy ra khiếu kiện. Vì thế, giá đất phải bám sát thị trường, còn thu hồi đất như thế nào để hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước và người dân thì sẽ nằm ở các chính sách về thu tiền sử dụng đất, các loại thuế về sử dụng đất,…

Bồi thường 252.000 đồng/m2; giá bán 300-400 triệu đồng/m2

Như báo Dân trí thông tin trước đó, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khiếu nại của công dân phường Phú Thượng xung quanh việc bồi thường đất để thực hiện dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, rộng 104ha).

Ông Tịnh cho biết, tháng 8/2022 Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành văn bản số 6177/STNMT-QHKHSDĐ nêu rõ: Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, không thuộc trường hợp quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013.

Việc quận Tây Hồ ban hành quyết định về việc thu hồi đất, bồi thường cho người dân ở phường Phú Thượng với đơn giá 252.000 đồng/m2 đất nông nghiệp là đúng quy định, theo bảng số 1 Quyết định số 30/2019 của UBND TP Hà Nội.

Tính đến tháng 5/2023, tổng diện tích đất chưa/đang giải phóng mặt bằng của dự án Ciputra còn khoảng trên 36ha. Quận Tây Hồ đang lập phương án để tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.

Ciputra là khu đô thị hạng sang dành cho giới nhà giàu ở Hà Nội. Hiện nay giá trị giao dịch chuyển nhượng nhiều biệt thự ở đây lên tới 300-400 triệu đồng/m2.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường 252.000 đồng/m2 đất ở Ciputra Hà Nội: Bộ TN-MT nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO