Nông dân hối hả thu tiền tỷ
Đứng ở khu vườn đồi bạt ngàn sầu riêng, cây nào cũng sai trĩu quả khi đang vụ thu hoạch, ông Nguyễn Ngọc Tháo (xã Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa) phấn khởi khoe, năm nay sầu được mùa được giá.
Diện tích sầu riêng của gia đình ông Tháo vẫn duy trì 14ha. Thế nhưng, giá loại trái cây này không còn ở mức 20.000-35.000 đồng/kg như thời điểm 2022 đổ về trước.
“Năm ngoái, sản lượng sầu được 150 tấn, bán được giá cao. Vụ này, giá còn lên tới 82.000 đồng/kg”, ông nói. Vườn sầu Dona của ông Tháo năm nay cho thu hoạch trên 200 tấn quả, doanh thu ước khoảng 16 tỷ đồng. Trừ đi các khoản chi phí, ông “đút túi” khoảng 13,5 tỷ đồng.
Đây cũng là năm gia đình Tháo thắng đậm nhất sau hơn một thập kỷ gắn bó với cây sầu riêng trên vùng Khánh Sơn.
Tương tự, ông Mai Văn Khang (ở xã Sơn Lâm, Khánh Sơn) cho biết, gia đình ông có 10ha sầu riêng. Những ngày qua, cả nhà tập trung lao động để thu hoạch quả. Vụ sầu năm ngoái, gia đình ông thu hoạch khoảng 60 tấn. Năm nay, dự kiến sản lượng vườn sầu riêng cho thu khoảng 100 tấn quả.
Đặc biệt, giá bán sầu riêng năm nay cao hơn so với mọi năm nên ông Khang nhẩm tính có thể thu lãi 8 tỷ đồng.
Cách đó hơn nghìn cây số, trên vùng đồi rộng hơn 10ha chỉ trồng nhãn, ông Bùi Văn Quang (ở xã Chiềng Khương, Sông Mã, Sơn La) cũng chia sẻ, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất cây nhãn năm nay. Vườn nhà ông sản lượng nhãn chỉ đạt khoảng 60-70 tấn, giảm khá mạnh so với vụ năm ngoái.
Song đổi lại, giá bán nhãn gần như cao gấp đôi so với năm trước, trung bình đạt mức 40.000-45.000 đồng/kg. Nhờ đó, doanh thu từ loại quả đặc sản này ước đạt 2,4-2,8 tỷ đồng, ông cho hay.
Ở Bắc Giang, mùa vải thiều chín đỏ đồi kết thúc cách đây không lâu. Năm nay, sản lượng vải thiều của toàn tỉnh chỉ đạt 86.000 tấn, chỉ bằng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ thuận lợi, người nông dân bán được vải thiều với giá dao động từ 55.000-110.000 đồng/kg, cao gấp 3-4 lần vụ trước đó nên vẫn bội thu.
Sau vụ thu hoạch, nông dân Bắc Giang ôm về 4.814 tỷ đồng nhờ bán quả vải thiều đặc sản, tăng 156 tỷ đồng so với năm 2023 - doanh thu cao chưa từng có trong lịch sử.
“Các thị trường xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt. Công ty tất bật trả hết đơn hàng này đến đơn hàng khác”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ với VietNamNet. Trong đó, tính đến hết tháng 7 năm nay, thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty là Mỹ ghi nhận tốc độ tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Trung Quốc, công ty mới chỉ xuất khẩu quả sầu riêng tươi. Theo đó, lúc cao điểm mỗi ngày đưa 1-2 container sầu riêng sang thị trường tỷ dân này. Còn hiện tại, công ty xuất sang đó khoảng 10-15 container sầu riêng một tháng loại 18 tấn/container, vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cho hay.
Bội thu 4,63 tỷ USD, trái cây đón thêm nhiều tin vui
Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, chỉ riêng tháng 8 xuất khẩu rau quả đã thu về 750 triệu USD, tăng mạnh 61,6% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng ghi nhận mức kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong 8 tháng qua (chỉ sau tháng 4 với kim ngạch 768,2 triệu USD).
Luỹ kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thế mạnh này của nước ta ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng mạnh 30,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao trong các tháng vừa qua, ngành hàng rau quả cũng đặt mục tiêu xuất khẩu có thể chạm mốc 7 tỷ USD năm nay. Bởi, những tháng cuối năm là mùa cao điểm thu hoạch các loại rau quả có sản lượng lớn, đặc biệt là quả sầu riêng có giá trị cao. Trong khi, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.
Đơn cử, đầu tháng 8, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) báo tin vui quả bưởi Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Theo đó, bưởi là quả tươi thứ 3 của nước ta được phép nhập khẩu chính ngạch sang xứ sở Kim chi, cùng với thanh long và xoài.
Vừa mới đây, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh và dừa tươi của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng được ký kết.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ sầu riêng và dừa tươi. Thế nên, việc mở cửa thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi dự kiến có thể tăng thêm 200-300 triệu USD trong năm 2024 và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.
Hay như, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cũng có thể đạt kim ngạch 400-500 triệu USD ngay trong năm 2024 - năm đầu tiên sau khi ký kết nghị định thư và sẽ góp mặt trong danh sách mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị tỷ USD trong năm 2025.
Thực tế, 1 container sầu riêng đông lạnh giá trị lên tới 5-6 tỷ đồng. Do đó, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển, việc kiểm dịch cũng dễ hơn so với xuất khẩu sầu riêng tươi.
Đáng chú ý, trong danh sách các loại trái cây đang đàm phán mở cửa sang thị trường Trung Quốc còn có bưởi, bơ, na, roi. Đây đều là những trái cây thế mạnh của nước ta với vùng trồng quy mô lớn, sản lượng cao.
Chiều 28/8, Bộ NN-PTNT thông báo thêm tin về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Hafemeister. Trong đó, hai bên đã đạt được đồng thuận cho phép xuất khẩu chanh leo Việt Nam vào Mỹ. Quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt.
Ngoài ra, hai bộ cũng khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: chanh không hạt, ổi, mít để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ.
Với sản lượng rau quả và trái cây của nước ta hiện nay, ngành nông nghiệp nhắm tới mục tiêu xuất khẩu sớm thu về 10 tỷ USD trong thời gian tới. Nhưng để đạt được con số này, ngành rau quả cần có giải pháp nâng cao giá trị hàng hóa, trong đó đẩy mạnh khâu chế biến sâu để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại.