Bốc thăm tìm tham nhũng: Sao cán bộ không tự nguyện được kiểm tra?

20/09/2022 10:30

Trên tinh thần đảng viên, cán bộ có thể tự nguyện để được kiểm tra, xem như một cách xác tín sự trung thực của mình, chứ đâu cần thụ động ngồi chờ lá thăm may rủi gọi tên mình.

Xem thêm: Đà Nẵng bốc thăm ngẫu nhiên 5 cán bộ để xác minh tài sản

Nếu bốc thăm để được học mẫu giáo công lập là chuyện hi hữu ở Hà Nội được xã hội cảm thông thì việc bốc thăm để xác minh tính trung thực của bản kê khai tài sản cán bộ lại thu hút dư luận ở một khía cạnh khác.

Khác, bởi đó là một trong những biện pháp để chống tham nhũng, được quy định trong nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Khác còn bởi, cách làm ấy gợi lên nhiều suy nghĩ về một công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, chính danh để góp phần làm sạch đội ngũ cán bộ của đất nước.

Tổng cục Thuế bốc thăm chọn 71 cán bộ để xác minh tài sản. Ảnh: Tiền Phong

Thực tế thì chỉ những người quyền cao chức trọng mới có điều kiện để tham nhũng. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo từ 10 năm trở lại đây đã chứng minh điều đó, với hàng trăm cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, nhiều người là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, các tướng lĩnh cao cấp công an, quân đội… đã bị kỷ luật Đảng, bị truy tố trước pháp luật. Điều này cho thấy phòng chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh gay go phức tạp, cần sự phối hợp đồng bộ các giải pháp.

Việc Chính phủ ban hành nghị định 130 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có quy định về việc lựa chọn ngẫu nhiên một tỉ lệ nhất định để xác minh kê khai tài sản thu nhập của cán bộ cũng là đương nhiên.

Kết quả bước đầu

Trên thực tế, công việc này cũng đã mang lại một số kết quả bước đầu. Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong số hơn 540.000 người kê khai tài sản, thu nhập, qua xác minh hơn 7.660 người, đã phát hiện 74 người kê khai chưa đúng quy định và đã bị kiểm điểm. Từ kết quả này, Thủ tướng đã phê duyệt định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai theo hướng lựa chọn ngẫu nhiên.

Sau Hà Nội, Đà Nẵng, mới đây, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức bốc thăm chọn ra 71 người trong diện kê khai tài sản để xác minh, nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi che giấu tài sản.

Sở dĩ đặt ra vấn đề phải xác minh tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập là vì lâu nay, việc kê khai và xác minh kê khai của cán bộ vẫn bị xem là hình thức, khi rất ít trường hợp bất thường, không trung thực phải xác minh lại.

Có những kiểu kê khai hết sức vô lý, ai cũng thấy, cũng biết, nhưng không ai truy vấn đến tận cùng. Có những người khi kê khai thì chẳng có gì, nhưng khi bị vướng đến tham nhũng thì phát hiện có rất nhiều tài sản giá trị. Chỉ có điều là nó đã được hợp pháp hóa bằng tên của vợ, chồng, con cái, với giá trị đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đất đai, nhà cửa, các loại tài sản khác.

Dư luận từng bàn tán chuyện một cụ bà ở Hà Tĩnh 78 tuổi vẫn đứng tên xây dựng cả một tòa lâu đài, xung quanh có cả hàng nghìn mét vuông hồ nuôi thủy sản, giá trị hàng chục tỉ đồng. Nhưng nghi thì nghi vậy, đã có cơ quan nào tiến hành xác minh đến tận cùng khối tài sản đó có liên quan gì đến những người thân của cụ!

Năm 2017, dư luận xôn xao với hình ảnh "biệt phủ" ở trung tâm huyện Bình Chánh, TP.HCM, đứng tên sở hữu là con gái nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Hay chuyện cô sinh viên Nguyễn Phước Thiên Anh, sinh năm 1995, đang đi du học ở nước ngoài nhưng lại đứng tên sở hữu một “biệt phủ” rộng vài nghìn mét vuông ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tính đến thời điểm báo chí đề cập năm 2017, cô này mới 22 tuổi. Vì thế dư luận không tin đó là tài sản của cô, đặc biệt khi cha cô là một nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nghi ngờ là thế, nhưng rồi mọi chuyện cũng lại rơi vào quên lãng, bởi có cơ quan nào đi xác minh khối tài sản ấy ở đâu ra, để từ đó có thể xác định vị cán bộ liên quan đã trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập chưa. Thậm chí là từ đó, biết đâu lại tìm ra hành vi tham nhũng!

Cho nên, dù kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ có được làm theo hình thức nào, chỉ định hay bốc thăm ngẫu nhiên thì tính hiệu quả đối với công tác phòng chống tham nhũng cũng chưa rõ ràng. Có chăng việc này chỉ dừng lại ở ý nghĩa nhắc nhở cán bộ nâng cao tính trung thực khi kê khai mà thôi.

Theo quy định, người có nghĩa vụ chỉ kê khai tài sản của vợ/chồng, con chưa thành niên, vì vậy trên thực tế không ít người lách luật bằng cách chuyển dịch tài sản tham nhũng sang người thân, con cái thành niên, chuyển sang nước ngoài, thậm chí chuyển sang tài sản của đối tượng không bị kê khai.

Khi cố tình giấu giếm tài sản bất minh, người ta đã tính toán cách kê khai như thế nào cho hợp lý nhất, làm sao để những tài sản đó càng xa chủ nhân thực sự càng tốt. Chả trách, việc thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Không sợ mất công bằng vì không bốc thăm

Đã chọn bốc thăm thì phải chấp nhận kết quả ngẫu nhiên. Có khi người tham nhũng thật sự lại thoát nhờ may mắn. Còn người được xác minh thì chẳng có gì để xác minh. Cho nên chống tham nhũng mà chỉ trông chờ vào việc xác minh kê khai theo kiểu bốc thăm may rủi thì e rằng chỉ là chuyện hình thức.

Những nỗi buồn vu vơNhững nỗi buồn vu vơXem ngay

Không có các công cụ kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức và người thân, kể cả cha mẹ, họ hàng để tránh việc tẩu tán tài sản, thì những bản kê khai kia, dù có được xác minh thế nào, cũng chỉ là hình thức mà thôi.

Trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng là phải làm rõ sự vô lý của khối tài sản giá trị lớn một cách bất thường ấy; phải tìm ra mối liên hệ với những đối tượng đang bị nghi ngờ, hay trong tầm ngắm của các vụ án tham nhũng.

Nếu kê khai tài sản, thu nhập được xem là trách nhiệm trung thực của cán bộ thì việc ấy phải được thực hiện bằng tất cả tinh thần tự giác của mỗi người, chỉ cần sự giám sát, uốn nắn kịp thời của cơ quan, tổ chức đảng cơ sở nơi cán bộ ấy sinh hoạt là đủ.

Nếu tất cả đều nêu cao tinh thần trung thực khi kê khai, còn cần gì đến việc bốc thăm để xác minh. Thậm chí là trên tinh thần đảng viên, cán bộ có thể tự nguyện để được kiểm tra, xem như một cách xác tín sự trung thực của mình, chứ đâu cần thụ động ngồi chờ lá thăm may rủi gọi tên mình.

Cán bộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập của mình. Trách nhiệm của cơ quan phòng chống tham nhũng là vạch trần sự dối trá, nếu có, nhằm tìm ra đường đi của dòng tiền và tài sản bất minh để quy tội cho từng đối tượng.

Chỉ sợ những người trong cơ quan phòng chống tham nhũng không làm hết trách nhiệm của mình chứ không sợ mất công bằng khi không chọn cách xác minh theo kiểu bốc thăm may rủi.

Vân Thiêng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/boc-tham-tim-tham-nhung-sao-can-bo-khong-tu-nguyen-duoc-kiem-tra-2061787.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/boc-tham-tim-tham-nhung-sao-can-bo-khong-tu-nguyen-duoc-kiem-tra-2061787.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bốc thăm tìm tham nhũng: Sao cán bộ không tự nguyện được kiểm tra?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO