Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản gửi các địa phương. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quy định về đảm bảo an toàn sinh học tại các phòng xét nghiệm.
Theo báo cáo từ 58/63 tỉnh, thành phố, hiện có trên 3.300 phòng xét nghiệm thực hiện xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh/có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm. Gần 3.100 phòng đã thực hiện việc tự công bố đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp I, cấp II (chiếm trên 90% số phòng xét nghiệm đang hoạt động).
Cả nước có 6 phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp III đã được cấp giấy chứng nhận và đang hoạt động. Tuy nhiên, có phòng xét nghiệm giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III đã hết hiệu lực nhưng chưa được cấp lại do chậm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định.
Để chấn chỉnh hoạt động bảo đảm an toàn sinh học, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát các cơ sở có phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người, các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm.
Tiếp tục kiểm tra, thanh tra cơ sở xét nghiệm đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học hoặc đã tự công bố đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học trên địa bàn quản lý tối thiểu 3 năm một lần; tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo quy định về an toàn sinh học.
Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế các địa phương nhắc nhở, đôn đốc các cơ sở có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trên địa bàn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 12 Nghị định 103/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, hạn chế việc Giấy chứng nhận an toàn sinh học cấp III của cơ sở hết hiệu lực và phải tạm dừng hoạt động.
Phương Thúy