Cuối giờ chiều ngày 11/11, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra buổi gặp mặt, trao đổi về công tác phối hợpphòng chống dịch COVID-19của tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế.Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Longvà Bí thư Tỉnh uỷBình Dươngđồng chủ trì buổi gặp mặt.
Về phía Bộ Y tế, cùng dự có Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, lãnh đạo một số Vụ/Cục/Văn phòng/Bệnh viện/Viện đã tham gia công tác phòng chống dịch tại Bình Dương.
Về phía tỉnh Bình Dương, cùng dự có đồng chí Võ Văn Minh- Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Đoàn ĐBQH tỉnh cùng lãnh đạo ngành y tế Bình Dương.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết, trong thời gian qua, Bình Dương là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ tư.
Tuy nhiên, nhờ triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, nên công tác phòng chống dịch của tỉnh bước đầu đã đạt được kết quả tích cực. Trước đây có ngày cao điểm tỉnh ghi nhận khoảng 5.000 ca, nhưng thời gian gần đây đã giảm mạnh, xuống vài trăm ca/ngày.
Cùng đó ý thức phòng chống dịch của nhân dân cũng như kinh nghiệm điều hành phòng chống dịch COVID-19 ngày càng được nâng cao.
Với sự quan tâm phân bổ vaccine của Bộ Y tế, hiện khoảng 90% dân số của tỉnh Bình Dương đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1, hơn 70% dân số đã tiêm mũi 2.
Hiện 90% doanh nghiệp trên địa bàn đã phục hồi sản xuất; 70% công nhân đã quay trở lại làm việc…
"Tất nhiên chúng tôi không lơ là trong phòng chống dịch mà phải cố gắng để vừa phát triển kinh tế- xã hội, vừa giữ vững thành quả chống dịch"- ông Nguyễn Văn Lợi nói.
Bí thư tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian Bình Dương triển khai chống dịch COVID-19 đã có 60 đoàn cán bộ y tế chi viện cho tỉnh Bình Dương, gần 3.500 giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, y bác sĩ và sinh viên các khối ngành y dược đã đến Bình Dương "3 cùng" với địa phương.
Riêng Bộ Y tế cử 9 chuyên gia đến hỗ trợ Bình Dương trực tiếp phòng chống dịch. Bộ cũng đã thành lập bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại Bình Dương do TS Dương Chí Nam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế của Bộ Y tế đảm nhiệm giúp Bình Dương triển khai rất nhiều giải pháp phòng chống dịch.
Trường Đại học Y Hà Nội và BV Đại học Y Hà Nội cử 660 chuyên gia, bác sĩ nội trú, điều dưỡng, kỹ thuật viên, sinh viên đến Bình Dương; Một số Bệnh viện/ Viện khác của Bộ; các đoàn y bác sĩ của nhiều địa phương… cũng đã đến đồng hành cùng Bình Dương chống dịch.
"Các đồng chí trong ngành y tế đến Bình Dương đều rất trách nhiệm và tận tâm, đã tổ chức, sắp xếp lại các tuyến điều trị phù hợp. Ban đầu chúng tôi rất lúng túng, nhưng nhờ các chuyên gia của Bộ Y tế, của BV Đại học Y Hà Nội hỗ trợ nên Bình Dương đã làm tốt hơn công tác phòng chống dịch, đặc biệt công tác điều trị, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch"- ông Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.
Bí thư tỉnh Bình Dương cũng khẳng định: Không thể kể hết những khó khăn, vất vả, cống hiến của các chuyên gia, y bác sĩ đối với Bình Dương.
"Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia của Bộ, của Bệnh viện/ Viện thuộc Bộ; cảm ơn các đoàn cán bộ y bác sĩ của nhiều tỉnh, thành đã giúp Bình Dương chống dịch. Các đồng chí đến hỗ trợ Bình Dương bằng sự tận tâm, trách nhiệm"- Bí thư tỉnh Bình Dương bày tỏ.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chúc mừng tỉnh đã vượt qua những thời khắc khó khăn trong phòng chống dịch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, qua làm việc trực tiếp nhiều lần tại tỉnh và nghe các chuyên gia của Bộ Y tế báo cáo cũng như qua trao đổi với lãnh đạo tỉnh, Bộ Y tế nhận thấy các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Dương rất sát sao, quan tâm, quyết liệt với công tác phòng chống dịch.
"Bộ Y tế xác định Bình Dương là "mặt trận nóng" trong cuộc chiến chống dịch để cùng tỉnh phối hợp triển khai công tác phòng chống dịch.
Chúng tôi chia sẻ với tỉnh và người dân Bình Dương đã trải qua những giai đoạn khó khăn. Mặc dù hiện tình hình dịch đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng không có tâm lý chủ quan, lơ là mà cần giữ vững thành quả chống dịch để ổn định phát triển kinh tế- xã hội"- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh việc tự chủ, chủ động trong phòng chống dịch do đó tỉnh cần quan tâm, đầu tư cho ngành y tế Bình Dương hơn nữa.
Xây dựng, phát triển BVĐK tỉnh Bình Dương để thành trung tâm y tế mạnh, phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn; Quy hoạch, phát triển một vài bệnh viện tuyến huyện thành BVĐK hạng 1, thực hiện được nhiều kỹ thuật tương đương hạng 1.
"Quan điểm của Bộ Y tế hướng đến xây dựng BVĐK Bình Dương thành bệnh viện tuyến cuối của Bộ trên địa bàn. Bộ sẽ giúp về hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tuy nhiên tỉnh phải quan tâm, đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị, thu hút nhân lực có chất lượng… Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở"- Bộ trưởng nói.
Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc lại đó là bài học thực tiễn về an sinh, chỗ ở, lưu trú của đội ngũ công nhân, người lao động và "phủ" y tế để trong bình thường cũng như khi xảy ra dịch bệnh làm sao người dân được tiếp cận chăm sóc sức khoẻ nhanh nhất là vấn đề rất quan trọng.
"Do đó, tỉnh cần có quy hoạch tổng thể phát triển ngành y tế Bình Dương. Về phía Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong điều kiện cho phép"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.