Trong văn bản gửi Bộ GD&ĐT các bước xử trí khi phát hiện F0 trong trường học, Bộ Y tế quy định rõ tình huống lớp học có F0, không bắt buộc cả lớp nghỉ học mà dựa theo hướng dẫn chi tiết trong việc xác định F1. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Sau đó, cán bộ y tế trường và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Tiếp đó, trường test nhanh cho toàn bộ học sinh lớp đó, trường hợp nào dương tính thì xử lý theo quy định, trường hợp nào không phải F1 mà có kết quả âm tính thì đi học bình thường.
Tuy nhiên, học sinh là F1 nếu tiêm đủ vaccine, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc khỏi COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1 thì cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5. Nếu âm tính SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 thì được đi học trực tiếp trở lại.
Đối với những em học sinh là F1 chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine thì cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho học sinh trong 3 ngày tiếp theo và hướng dẫn thực hiện Thông điệp 5K.
Trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe, nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác,…hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, cần thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã và nhà trường để theo dõi và xử trí.
Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, Bộ Y tế quy định, nếu trong lớp học có 1 ca xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.
Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho trẻ trong 3 ngày tiếp theo.
Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác,…hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì phụ huynh/giáo viên chủ nhiệm thông báo ngay cho Trạm Y tế cấp xã, Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường để theo dõi và xử trí theo quy định.
Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, … hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Ăn, ngủ tại lớp
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế chỉ rõ, nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành GĐ&ĐT.
Nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.
Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác.
Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.
Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).
Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT căn cứ vào các nội dung hướng dẫn nêu trên để chỉnh sửa, bổ sung vào Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học và các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 khác của Bộ GD&ĐT.
Phạm Quý