Ngày 3/5, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về vụ ngộ độc thực phẩm tại TP Long Khánh.
Bà Võ Thị Ngọc Lắm, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết, ngày 1/5 bắt đầu ghi nhận 70 ca ngộ độc thực phẩm nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sau khi những người này ăn bánh mỳ ngày 30/4.
Kết quả kiểm tra ban đầu, tiệm bánh mì Băng bán bánh mỳ thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm: nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Trong ngày 30/4, quán bán hơn 1.100 ổ bánh mỳ.
Tính đến trưa 3/5, số ca bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ tăng lên 481 ca, trong đó có 10 ca bệnh nặng được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, một ca bệnh nặng được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Theo ông Nguyễn Đình Minh, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, qua điều tra cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân 4-8 giờ. Triệu chứng chủ yếu của bệnh nhân là tiêu chảy, nôn ói.
Tiệm bánh mỳ không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe.
Đoàn kiểm tra liên ngành TP Long Khánh đã niêm phong thực phẩm và giao cơ sở tự bảo quản trong tủ đông tại cơ sở; đồng thời thực hiện phết mẫu dịch tỵ hầu của 4 người chế biến thực phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hùng Long đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cần tập trung mọi nguồn lực để cứu chữa cho các bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, những trường hợp nào đã ổn định thì cho bệnh nhân xuất viện về nhà, tập trung điều trị cho những trường hợp nặng hơn.
Theo ông Long, Sở Y tế cần tiên lượng xem có còn thêm những bệnh nhân mới không để chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Qua vụ việc này, các ngành chức năng của Đồng Nai cần chú ý hơn đến việc kiểm soát các cơ sở buôn bán thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, tránh lặp lại vi phạm.
Ông Long cũng đề nghị Sở Y tế cần có phát ngôn chính thức về vụ ngộ độc thực phẩm và chỉ giao cho một đầu mối phát ngôn, tránh đưa thông tin không nhất quán về vụ ngộ độc thực phẩm.