Bộ Y tế: Chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành, chưa công bố hết dịch

Lệ Hà| 12/08/2022 10:21

Bộ Y tế vừa có văn bản trình Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững; Chưa công bố hết dịch.

Bộ Y tế: Chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành, chưa công bố hết dịch
Tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh và các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa. Mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.

Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Do đó, Bộ tế đề xuất tiếp tục giữ COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A; Chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành, thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững; Chưa công bố hết dịch; Điều chỉnh về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã triển khai.

Theo giải thích của Bộ Y tế, sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc có tỉ lệ mắc bệnh (hiện mắc/mới mắc) tương đối cao trong một khu vực địa lý hoặc trong một quần thể nhất định.

Một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Trong khi đó, đối với dịch COVID-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới. Các biển thể mới liên tục xuất hiện, miễn dịch (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên số ca mắc đã có xu hướng gia tăng trở lại trong thời gian gần đây và vẫn ghi nhận các ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị. Việt Nam cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.

Bộ Y tế nêu rõ hiện nay WHO vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là tình trạng đại dịch trên toàn cầu.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc duy trì công bố dịch COVID-19 như hiện nay đảm bảo được sự quan tâm và huy động nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch.

Bộ Y tế cũng nhận định cần cảnh giác với các biến thể mới của virus, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Y tế: Chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành, chưa công bố hết dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO