Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường bất động sản quý IV/2021, trong đó đề cập tới giá nhà ở và một số loại bất động sản khác.
Theo báo cáo, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven Hà Nội.
Chẳng hạn như Quốc Oai tăng 20%, Ba Vì 45%, một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình tăng 46%, Bắc Ninh tăng 20%, Hưng Yên tăng 26%. Ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TPHCM; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền "nóng" cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn như thông tin quy hoạch sân bay Téc-níc tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng...
Bộ Xây dựng cho biết cũng đã có Văn bản số 5370 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản, đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.
Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt. Nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lo ngại đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022.
"Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009)", Bộ Xây dựng nhận định.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cũng đã đề cập tới giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực khi nhiều "cò đất", môi giới vẫn vin vào cái cớ về gói phục hồi với lượng tiền bơm ra để đồn thổi về nguy cơ lạm phát, rồi thị trường bất động sản sẽ tăng giá để kích thích người mua.
Cụ thể theo ông Khởi, một trong những giải pháp để hạn chế vấn đề này là cung cấp thông tin về dự án, đẩy mạnh cung cấp thông tin về quy hoạch, đảm bảo cho người dân, khách hàng tiếp cận được thông tin chính xác, biết được chỗ nào làm đúng, chỗ nào có cơ sở pháp lý, chỗ nào làm sai...
Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó có những quy định cho các địa phương cung cấp thông tin để làm sao liên thông từ địa phương lên Bộ, từ đó có những cung cấp thông tin kịp thời hơn, chính xác hơn.
"Quan trọng nhất là thông tin phải nhanh chóng. Trong đó tối thiểu có những thông tin về quy hoạch dự án, dự án đủ điều kiện được bán. Cùng với đó sẽ có những quy định quản lý chặt chẽ hơn các nhà môi giới", ông Khởi nói.
Theo vị này, tình trạng sốt đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc môi giới kích giá, đẩy giá để làm "nóng" thị trường, có nguyên nhân đấy. Nắm được tình hình đấy, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản gửi các địa phương. Từ đó đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát xử lý. Để các nhà môi giới không lợi dụng làm nóng thị trường lên thì phải công khai thông tin một cách kịp thời.
Thứ hai, theo ông Khởi, cũng cần tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý hoạt động môi giới. Bộ Xây dựng đang trình sửa Nghị định 139, tới đây ban hành, sẽ tăng mức nặng xử lý môi giới vi phạm. Trong dài hạn, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó có giải pháp quản lý chặt môi giới, ví dụ như đào tạo quản lý môi giới, sát hạch thi cử, quản lý hoạt động ngành nghề. Vấn đề này vẫn đang bàn, nhưng chắc chắn sẽ có những cái quản lý chặt chẽ hơn nhà môi giới...