Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy vừa ký văn bản gửi Bộ Tư pháp báo cáo đánh giá tác động chính sách dự thảo Nghị định quy định
"Bạo lực gia đình đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm các giá trị của gia đình, phá vỡ hạnh phúc gia đình", báo cáo nhấn mạnh.
Trong khi đó, việc thống kê, báo cáo thông tin về bạo lực gia đình hiện nay được thực hiện theo nhiều bước: Thôn/tổ dân phố tổng hợp các vụ bạo lực gia đình xảy ra báo cáo về xã/phường/thị trấn; xã/phường/thị trấn tổng hợp các vụ xảy ra trên địa bàn để báo cáo bằng văn bản về Phòng Văn hóa, Thông tin.
Phòng Văn hóa, Thông tin tổng hợp các vụ bạo lực gia đình báo cáo về Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao. Sở này tiếp tục tổng hợp báo cáo về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Vụ Gia đình).
Quá trình tổng hợp số liệu thủ công dẫn tới độ chính xác không cao. Hơn nữa, ngoài số liệu của ngành văn hóa còn có số liệu do công an, tư pháp, lao động -thương binh và xã hội, y tế, tòa án... tổng hợp.
"Việc nhiều cơ quan thu thập, tổng hợp báo cáo về phòng, chống bạo lực gia đình nhưng chưa có sự kết nối, chia sẻ dẫn đến lãng phí nguồn lực, số liệu có sự trùng lặp, rời rạc và không thể khái quát được số liệu chung cho tình hình hiện nay", bà Trịnh Thị Thủy cho hay.
Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một nghiên cứu đầy đủ, toàn diện để tính toán thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra. Chỉ tính riêng bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã gây thiệt hại kinh tế khoảng 1,78% GDP.
Đến năm 2019, cuộc điều tra quốc gia lần thứ hai ước tính bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam gây thiệt hại 1,81% GDP (tăng 0,3%), tương ứng trên 100.000 tỷ đồng/năm.
Hiện nay phần lớn người bị bạo lực gia đình là phụ nữ. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định việc thu thập, báo cáo số liệu như hiện nay không bảo đảm chính xác, kịp thời, dẫn đến không nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ.
"Kết quả điều tra bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2020 cho thấy, trên 90% phụ nữ bị bạo lực gia đình không tìm kiếm sự hỗ trợ từ tổ chức, đoàn thể và chính quyền cơ sở. Điều này cho thấy, người bị bạo lực gia đình ít nhiều chưa thực sự tin cậy vào sự bảo vệ, hỗ trợ khi họ bị bạo lực gia đình", Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dẫn chứng.
Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh việc số hóa các dữ liệu về bạo lực gia đình sẽ giúp giảm các chi phí cho giấy in, mực in, công in, công trình ký, gửi báo cáo...
Mức đầu tư ban đầu cho số hóa là kênh đầu tư có lợi cao, đem lại lợi ích toàn diện cho xã hội so với hiệu quả của nó trong việc làm giảm thiểu thiệt hại kinh tế (hàng nghìn tỷ mỗi năm do bạo lực gia đình).
Về lâu dài, theo Bộ này, việc chuyển đổi số trong xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu về phòng chống bạo lực gia đình không tác động tiêu cực đến kinh tế đất nước.