Bộ Tư Pháp Mỹ kiện Facebook vì vi phạm quy tắc thị thực và phân biệt đối xử nhân viên

05/12/2020 12:01

Các công tố viên cho biết Facebook đang "vi phạm thường xuyên, liên tục và phổ biến" các điều lệ trong luật lao động của Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) mới đây đã đệ đơn cáo buộc Facebook vì phân biệt đối xử với người lao động Mỹ trong hoạt động tuyển dụng.

Đơn khiếu nại được đệ trình hôm 3/12 cáo buộc rằng, Facebook đang duy trì một quy trình liệt kê việc làm riêng biệt cho các vị trí tuyển dụng đủ điều kiện xin thị thực (visa). Ngoài ra, Facebook còn hạn chế hiển thị danh sách việc làm trực tuyến và yêu cầu các ứng viên phải nộp đơn qua đường bưu điện.

Theo Bộ Tư pháp, những chiêu trò mang tính hệ thống này của Facebook chủ yếu nhằm cản trở và không khuyến khích người lao động Mỹ nộp đơn xin việc tại Facebook.

Đơn khiếu nại viết: "Hoạt động tuyển dụng mang tính phân biệt đối xử của Facebook diễn ra thường xuyên, liên tục và phổ biến. Công ty phân biệt đối xử với người lao động Mỹ vì tình trạng nhập cư hoặc quốc tịch của họ. Và Facebook đã chọn cách cản trở nỗ lực nộp đơn của các ứng viên muốn xin vào làm ở công ty".

Nói một cách dễ hiểu, các công tố viên cáo buộc Facebook đang che giấu danh sách việc làm dành riêng cho những người lao động có thị thực mà công ty đã liên hệ trước đó và biết rằng họ có nhu cầu xin việc. Nhưng do phải "dọn đường" cho những người được ưu tiên, Facebook đã vi phạm các quy tắc lao động quan trọng, đó là cản trở cơ hội xin việc của các ứng viên khác.

Các trường hợp được Bộ Tư pháp lấy làm bằng chứng là những người có chứng nhận lao động lâu dài tại Facebook, cho phép người có thị thực làm việc tại Mỹ vô thời hạn. Thị thực này trái ngược với thị thực lao động nước ngoài như H-1B, thường sẽ phải được gia hạn vài năm một lần.

Luật pháp Mỹ yêu cầu một quy trình rộng rãi để chứng nhận lao động làm việc lâu dài và chỉ phê duyệt đơn đăng ký sau khi một công ty xác nhận rằng họ không thể tìm thấy một công nhân Mỹ đủ tiêu chuẩn cho vị trí này.

Nhưng khi một lao động nước ngoài bày tỏ muốn có một vị trí cố định tại Facebook, công ty được cho đã thay đổi cách thức tuyển dụng thông thường bằng cách hạn chế hoặc không quảng cáo vị trí tuyển dụng trên trang web chính Facebook.com/careers. Ngoài ra, Facebook sẽ không không chấp nhận các đơn xin việc gửi từ các ứng dụng trực tuyến và yêu cầu các ứng viên quan tâm chỉ có thể nộp đơn qua đường bưu điện.

Các công tố viên cho biết, Facebook đã áp dụng tiêu chuẩn kép của riêng mình ít nhất từ ​​đầu năm 2018 và cho đến nay vẫn giữ tiêu chuẩn đó. Facebook hiện đã nhận được hơn 2.600 chứng nhận lao động vĩnh viễn cho các nhân viên trong khoảng thời gian hai năm qua.

Phản hồi lại trước khiếu nại của Bộ Tư Pháp, Facebook cho biết họ đang hợp tác với Bộ Tư pháp nhưng không đồng ý với quan điểm trên. Một đại diện của Facebook cho biết: "Facebook đã hợp tác với DOJ để xem xét vấn đề này và trong quá trình giải quyết đơn kiện, chúng tôi không thể bình luận thêm về vụ kiện đang chờ xử lý".

Đây không phải lần đầu tiên Facebook dính tới những bê bối liên quan đến tuyển dụng và văn hóa lao động. Hồi năm ngoái đã xảy ra bê bối nhân viên Facebook nhận hối lộ từ một công ty quảng cáo. Hay theo thống kê, nhiều nhân viên đã không còn tín nhiệm CEO Mark Zuckerberg, thậm chí một cuộc điều tra của CNBC cho thấy, các ứng viên trẻ đang tìm cách né Facebook khi công ty điều hành mạng xã hội lớn nhất hành tinh vướng phải bê bối dữ liệu Cambridge Analystica hồi năm 2018.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tư Pháp Mỹ kiện Facebook vì vi phạm quy tắc thị thực và phân biệt đối xử nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO