Được mời giải trình cuối phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 31/5, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan làm rõ một số vấn đề liên quan nguồn cung ứng vaccine và việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Theo bà Lan, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí để thực hiện mua sắm tập trung vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc kháng lao, thuốc kháng HIV…
Với 9 loại vaccine sản xuất trong nước, Bộ trưởng Y tế cho biết có một nhà sản xuất trong nước thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng với tất cả các loại vaccine sản xuất trong nước theo quy định.
"Thời gian qua, Bộ Y tế đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay. Đối với các vaccine sản xuất trong nước, chương trình tiêm chủng mở rộng cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023", bà Lan nói.
Với vaccine viêm gan B, vaccine phòng lao, bà Lan cho biết sử dụng được đến hết tháng 8; còn vaccine phòng sởi đủ dùng đến cuối năm.
Riêng với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 (gồm bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - sởi), Bộ trưởng Y tế cho biết, năm 2022 đã đấu thầu mua sắm theo quy định, tuy nhiên, không có nhà thầu nào tham gia nên loại vaccine này bị thiếu trên thị trường.
Để đảm bảo vaccine trong năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương, trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về nội dung này.
Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố để triển khai và tổng hợp đủ nhu cầu để đề nghị mua vaccine trên cả nước. Đồng thời, bộ này cũng chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng cung cấp vaccine, sản xuất và xác định giá theo quy định.
Liên quan việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, theo Bộ trưởng Y tế, nhờ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng nên việc này đã được gỡ khó.
Đến nay, nguồn cung thuốc cơ bản ổn định. Bộ Y tế đã gia hạn được 10.572 đầu thuốc. Bộ trưởng Y tế thống kê cả nước có 22.000 đầu thuốc, đủ cung ứng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn trang thiết bị y tế cũng được đảm bảo do vấn đề mua sắm đã cơ bản được tháo gỡ.
Dẫn chứng ở Bệnh viện Bạch Mai, bà Lan cho biết, trung bình mỗi ngày có 7.000-8.000 bệnh nhân và nhu cầu về thuốc cơ bản được đáp ứng. Song nữ Bộ trưởng thừa nhận một số nơi vẫn còn tâm lý e ngại, né tránh trong quá trình thực hiện mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế.