Bộ trưởng Y tế kể 'bệnh viện được hồi sinh' sau nghị quyết của Chính phủ

Hoài Thu| 03/04/2023 19:26

Khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 30 của Chính phủ, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho tôi là bệnh viện đã được hồi sinh", Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.

Câu chuyện này được nữ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, kể tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, diễn ra ngày 3/4.

Liên quan đến những vướng mắc về mua sắm thuốc, thiết bị y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định Chính phủ, Thủ tướng đã rất quan tâm và ban hành nhiều chính sách cụ thể để tháo gỡ.

Nhiều bệnh viện "sống lại"

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30 tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế cùng Nghị định số 07 về quản lý trang thiết bị y tế, theo bà Lan, đã cơ bản tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế. Nhờ đó, hoạt động của các bệnh viện cơ bản đã trở lại bình thường, nhiều vấn đề được giải quyết.

Bộ trưởng Y tế kể bệnh viện được hồi sinh sau nghị quyết của Chính phủ - 1

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Nữ Bộ trưởng dẫn chứng việc Bệnh viện Việt Đức đã mở lại 5 gói thầu trước đây phải dừng, Bệnh viện Bạch Mai vừa mở được gói thầu trị giá 200 tỷ đồng; hoạt động của các bệnh viện tại Khánh Hòa, Quảng Ninh, TPHCM…  trở lại bình thường.

Cuối tuần qua, Bộ đã tiến hành gia hạn đợt 3 giấy phép lưu hành thuốc và đến nay, đã có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn.

"Khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 30 của Chính phủ, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho tôi là bệnh viện đã được hồi sinh", theo lời kể của Tư lệnh ngành y tế.

Đồng tình, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho  biết thành phố cũng vừa hoàn thành việc mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế trị giá 1.481 tỷ đồng và các bệnh viện cũng cơ bản thực hiện được việc mua sắm. Nhiều khó khăn nhìn chung được giải quyết, tuy nhiên, một số bệnh viện còn lúng túng.

Thông tin thêm về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM, ông Mãi cho biết các doanh nghiệp gặp 4 nhóm khó khăn về thị trường thu hẹp (hơn 41% doanh nghiệp); giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn, thiếu nhân lực. Thời gian tới,  một trong những ưu tiên của thành phố là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các vấn đề này, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…

Bộ trưởng Y tế kể bệnh viện được hồi sinh sau nghị quyết của Chính phủ - 2

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Về phía Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết địa phương có mức tăng trưởng 5,8%, trong đó dịch vụ tăng 7%; thu ngân sách đạt 128.000 tỷ đồng, riêng thu nội địa 121.000 tỷ đồng, đạt 40% dự toán…

Thông tin thêm về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định nếu vấn đề này được đẩy mạnh trong quý II sẽ tạo dư địa tăng trưởng. Ông đồng thời cho rằng cần tăng cường tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang để giải phóng nguồn lực rất lớn.

Rà soát từng dự án bất động sản để tháo gỡ

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nhiều kết quả đạt được, song cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế thuộc về yếu tố chủ quan, trong đó có việc một số bộ, ngành, địa phương thiếu chủ động, chưa kịp thời trong phản ứng chính sách; một bộ phận cán bộ còn trì trệ, trách nhiệm chưa cao, thậm chí né tránh, sợ trách nhiệm, nhất là liên quan tới định giá, đấu thầu, mua sắm...

Bộ trưởng Y tế kể bệnh viện được hồi sinh sau nghị quyết của Chính phủ - 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng quán triệt trong mọi trường hợp phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận của xã hội.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém; rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ…

"Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu chi ngân sách, tiết kiệm chi tối đa trong chi thường xuyên; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất", theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ.

Ông đồng thời yêu cầu Bộ Xây dựng giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản. "Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải đi từng địa phương, rà soát từng dự án", Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục tháo gỡ, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, dứt khoát không để thiếu.

Mỗi năm có 500 - 600 vấn đề thành viên Chính phủ phải cho ý kiến

Báo cáo về Quy chế làm việc của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tính thống nhất trong giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng được đề cao, giảm nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau trình Chính phủ, Thủ tướng.

Bên cạnh đó, việc phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền được đẩy mạnh, rõ thẩm quyền, trách nhiệm, tăng tính chủ động, trong chỉ đạo, điều hành.

Về hạn chế, người phát ngôn chỉ ra thực trạng khối lượng công việc rất lớn khi hàng năm có khoảng 500 - 600 vấn đề các thành viên Chính phủ phải cho ý kiến. Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan tiếp tục quan tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc hơn nữa Quy chế tại đơn vị quản lý, góp phần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tăng cường bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của hệ thống hành chính Nhà nước.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Y tế kể 'bệnh viện được hồi sinh' sau nghị quyết của Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO