Sáng 1.11, phát biểu giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về vấn đề cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), từ năm 2014 đến nay, Bộ đã 5 lần cập nhật danh mục này.
Việc rà soát danh mục hiện hành nhằm loại bỏ thuốc có hiệu quả thấp, có cảnh báo an toàn; rà soát các chẩn đoán, điều trị xác định hiệu quả điều trị thuốc mới so với thuốc tương tự đã có trong danh mục thuốc; đồng thời đánh giá khả năng cân đối Quỹ BHYT.
"Không phải cứ thuốc nào mới phát minh đều được nghiễm nhiên đưa vào danh mục thuốc BHYT" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo bà Đào Hồng Lan, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức đóng BHYT với hơn 1.000 hoạt chất. Thái Lan, Singapore hay Philippines chỉ có 600-700 hoạt chất.
Quỹ BHYT đã đảm bảo chi trả được hầu hết các bệnh lý hiện nay, vẫn đảm bảo bổ sung thuốc mới.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất thành phẩm, không ghi hàm lượng dạng bào chế và tên thương mại, nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở y tế không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc rẻ hay đắt, thuốc nội hay ngoại mà căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và khả năng chi trả của Quỹ BHYT, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm, lựa chọn thuốc thành phẩm cho phù hợp.
Đối với Nhật Bản hay Pháp, các danh mục thuốc này được ghi dưới dạng tên thương mại. Vì vậy, cần phải cập nhật thường xuyên, vì không phải thuốc nào có hoạt chất trong danh mục là ngay lập tức được thanh toán.
Việt Nam quy định tên hoạt chất, nên các thuốc tên thương mại nào được cấp phép lưu hành mà có hoạt chất đã có trong danh mục sẽ ngay lập tức được thanh toán.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu chất vấn về vấn đề danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam chậm cập nhật.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn TP Hồ Chí Minh, ngoài việc thuốc, vật tư y tế thời gian qua không được cung ứng đủ cho bệnh nhân thì việc cập nhật danh mục thuốc của nước ta rất chậm, mất nhiều thời gian hơn so với các nước trên thế giới.
Đại biểu cho biết, việc này ở Nhật mất khoảng 3 tháng, Pháp khoảng 15 tháng, Hàn Quốc khoảng 18 tháng nhưng ở nước ta thường mất từ 2-4 năm để một thuốc mới có thể được cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
"Như vậy mất quyền lợi của người dân" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Trước đó, Báo Lao Động đăng tải các bài viết liên quan đến vấn đề "Danh mục thuốc BHYT lạc hậu, chậm cập nhật".
Theo đó, kể từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới. Đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất là người bệnh.