Bộ trưởng Nội vụ: 'Hàng triệu giáo viên, bác sĩ sẽ được tăng lương'

Hoài Thu| 24/10/2023 14:49

"Khi cải cách tiền lương, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương, còn 36 đơn vị của một số ngành không được hưởng chính sách lương đặc thù", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Nhiều thông tin mới, "tin vui" về cải cách tiền lương được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông báo khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 24/10.

"Kỳ họp này chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Đây là điểm nhấn, dấu ấn của Quốc hội; vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự; tạo tâm trạng xã hội; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vui và phấn khởi", Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ khi mở đầu bài phát biểu.

Theo bà, cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình, mà còn nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng Nội vụ: Hàng triệu giáo viên, bác sĩ sẽ được tăng lương - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại phiên thảo luận tổ (Ảnh: Minh Châu).

"Cải cách tiền lương cũng chính là động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi khi lương được nâng lên sẽ tác động đến cung - cầu", Bộ trưởng Nội vụ đánh giá.

Bên cạnh việc cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh cần thực hiện mục tiêu cơ cấu, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thông tin thêm về chủ trương cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý thay cho bảng lương theo hệ số hiện nay - đã tồn tại từ năm 2004.

"Qua 4 lần cải cách tiền lương, chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này", theo Bộ trưởng Nội vụ.

Phân tích cụ thể hơn, nữ Bộ trưởng cho hay chính sách tiền lương mới sẽ được cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản (70%), tỷ lệ phụ cấp (30%); loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản, để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bà Trà cho rằng những vấn đề mới này phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ.

"Cải cách tiền lương, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương. Viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi", tư lệnh ngành Nội vụ nói.

Bà cũng nói rõ thêm, theo chính sách tiền lương mới, có 36 đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù nữa (cao hơn mặt bằng chung).

"Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang, có một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Nhưng theo tinh thần Nghị quyết 27, những cơ quan có chính sách lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm nhưng không giảm đi). Như vậy để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương", Bộ trưởng phân tích.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1/7/2024, sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá và tăng GDP, chỉ đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026, nếu không nỗ lực, sẽ khó thực hiện tiếp chính sách tiền lương mới.

Vì vậy để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, bà Phạm Thị Thanh Trà cho rằng thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.

Bên cạnh đó, nữ Bộ trưởng lưu ý cần quan tâm công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Bởi quá trình tăng lương có giai đoạn chuyển lương cũ sang lương mới theo vị trí việc làm sẽ không thể đồng bộ ngay được mà có những vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, cần tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Theo nữ Bộ trưởng, thời gian tới sẽ có cơ chế tốt hơn để giảm viên chức hưởng lương Nhà nước, có thêm nguồn thực hiện cải cách tiền lương.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nội vụ: 'Hàng triệu giáo viên, bác sĩ sẽ được tăng lương'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO