Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, nút thắt khiến tăng trưởng kinh tế của khu vực chậm lại chính là sự tắc nghẽn về hạ tầng giao thông.
TPHCM là đô thị lớn nhất của vùng và cả nước đang ùn tắc nghiêm trọng, tất cả cửa ngõ đều ách tắc, thiếu các đường trục để cải thiện kết nối vận tải, chưa có hệ thống cao tốc đột phá nối các tỉnh.
"Nếu tình hình không cải thiện, TPHCM sẽ trở thành một trong những đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam và có thể ở cả khu vực Đông Nam Á. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải quan tâm đặc biệt hệ thống giao thông trục chính, đường vành đai để tháo gỡ", ông Thể nhấn mạnh.
Đường vành đai 2 TPHCM chưa được kết nối đồng bộ, đường vành đai 3 đã được bố trí vốn gần 80.000 tỷ đồng để triển khai, vành đai 4 quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Cao tốc kết nối TPHCM với Cần Thơ đang ùn tắc, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dù mới khai thác cũng đã quá tải, đường cao tốc nối TPHCM với Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông cũng chưa được triển khai.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải còn chỉ ra không chỉ giao thông nội đô TPHCM, giao thông liên vùng ở Đông Nam Bộ còn nhiều bất cập. Các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải chưa có hệ thống đường kết nối tốt, dẫn đến năng suất khai thác cảng còn hạn chế.
Với đường hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải liên tục. Đường sắt đã lạc hậu, đường thủy nội địa tương đối tốt nhưng cầu tĩnh thông thấp nên không vận chuyển được container.
"Thực trạng giao thông vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam rất cấp bách", ông Thể nhận định.
Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho rằng một trong những giải pháp quan trọng nhất của vùng Đông Nam Bộ là tập trung toàn bộ nguồn lực để phát triển giao thông. Nếu không, đầu tàu kinh tế chậm dần của cả nước sẽ chậm dần.
Ông Thể đề nghị TPHCM nhanh chóng thông toàn tuyến vành đai 2, quyết liệt hoàn thành đường vành đai 3 vào năm 2025-2026. Về liên kết vùng, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng dự kiến hoàn thành vào năm 2025, cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được tháo gỡ khó khăn để tiếp tục hoàn thiện. Đường cao tốc TPHCM - Dầu Giây cũng sẽ được mở rộng để đảm bảo giao thông thông suốt đến sân bay Long Thành. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung hình thành đường chuyên dụng kết nối với các cảng biển.
Riêng về đường hàng không, ông Thể đề nghị TPHCM phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng để cùng mở rộng, nâng cấp đồng bộ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tăng năng suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm. Hiện tại đường băng đã đảm bảo nhưng hệ thống đường xung quanh Tân Sơn Nhất, nhà ga vẫn chưa thông suốt.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết trong chiều nay 9/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì phiên họp giải quyết vấn đề mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Bản thân TPHCM rất vui mừng và muốn đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.