Bộ trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Afghanistan và hơn thế nữa

Minh Vương| 07/09/2021 19:05

Tình hình Afghanistan là trọng tâm, song không phải chủ đề duy nhất trong chuyến thăm Trung Đông của hai quan chức cấp Bộ trưởng của Mỹ từ ngày 5/9.

(09.07) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong buổi gặp gỡ và làm việc với các quan chức Qatar ngày 6/9/2021. (Nguồn: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gặp gỡ và làm việc với quan chức Qatar ngày 6/9/2021 trong chuyến thăm Trung Đông. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Antony Blinken dự kiến dừng chân ở Doha trước khi thăm Berlin. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin dành nhiều thời gian ở Trung Đông với hàng loạt cuộc gặp gỡ và thảo luận tại các quốc gia vùng Vịnh gồm Qatar, Bahrain, Kuwait và Saudi Arabia.

Chuyến thăm của hai quan chức cấp cao Mỹ tới Trung Đông diễn ra chỉ một tuần sau khi Washington kết thúc chiến dịch di tản tại Kabul. Quan trọng hơn, Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, nguy cơ về sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố, cùng làn sóng di dân từ quốc gia Nam Á sang các khu vực khác, bao gồm Trung Đông, khiến thế giới Arab đặc biệt quan ngại.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin là lời cảm ơn tới sự hỗ trợ của đồng minh khu vực trong chiến dịch di tản vừa qua.

Đồng thời, Mỹ sẽ thúc đẩy thảo luận về hợp tác chống khủng bố, trước lo ngại các lực lượng này sẽ phát triển mạnh tại Afghanistan. Trước chuyến thăm, ông Austin nhấn mạnh Washington sẽ duy trì nỗ lực cần thiết đối phó “bất kỳ mối đe dọa nào, xuất hiện ở bất kỳ đâu nhắm tới công dân Mỹ”.

Quan trọng hơn, đây là cách chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden khẳng định dù tập trung giải quyết thách thức từ Trung Quốc và Nga, nước này vẫn sẽ không “bỏ rơi” đồng minh khu vực.

Lời cảm ơn

Trước hết, Doha đã hợp tác chặt chẽ với Washington trong chiến dịch di tản tại Kabul khi cho phép Lầu Năm góc sử dụng căn cứ không quân al-Udeid và tiếp nhận các nhà ngoại giao Mỹ rút khỏi Afghanistan. Đồng thời, Doha cũng đã hợp tác, hỗ trợ phía Taliban mở lại sân bay Kabul.

Đó là lý do trong cuộc gặp với Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani, ông Blinken và ông Austin không tiếc lời cảm kích sự hỗ trợ của Qatar trong chiến dịch di tản của Mỹ.

Nguời Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh hai quan chức cấp cao của Washington cảm ơn Quốc vương al-Thani “vì sự hỗ trợ phi thường của Qatar nhằm bảo đảm rằng quá trình di chuyển công dân Mỹ, công dân các nước đồng minh cùng người Afghanistan diễn ra an toàn”. Hai bên cũng thảo luận về các “vấn đề khu vực, cùng sáng kiến thúc đẩy an ninh và thịnh vượng”.

Tại Bahrain, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ phát biểu trước lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đã trải qua nhiều tuần ở Kabul để triển khai chiến lược di tản nguy hiểm và hỗn loạn, giúp 124.000 người rời khỏi Afghanistan, song cũng khiến 13 binh sỹ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.

Chuyến thăm Trung Đông của hai quan chức cấp cao Mỹ là dịp để Tổng thống Joe Biden khẳng định rằng “Nước Mỹ trở lại” không chỉ là khẩu ngữ sau những gì đã diễn ra tại Afghanistan.

…và hơn thế nữa

Cuối cùng, tại Kuwait và Saudi Arabia, ông Austin sẽ gặp lại những nhà lãnh đạo khu vực mà ông từng tiếp xúc lúc còn làm Tổng Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (USCENTCOM).

AP cho rằng trong chiến dịch di tản của quân đội Mỹ tại Afghanistan vừa qua, vai trò hỗ trợ của Saudi Arabia, quốc gia có vai trò dẫn dắt nhóm các nước vùng Vịnh, là không thực sự nổi bật.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ giữa hai đồng minh đã bớt mặn nồng sau khi Washington nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân với Tehran, đồng thời công bố điều tra về vai trò của Thái tử Mohammad Bin Salman trong cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018.

Thậm chí, chỉ ít ngày trước khi chiến dịch di tản tại Afghanistan kết thúc, Saudi Arabia đã ký kết một thỏa thuận về hợp tác quân sự với Nga, quốc gia mà chính quyền ông Biden coi là đối thủ.

Tuy nhiên, xét cho cùng, ngay cả khi ưu tiên lớn nhất của Washington ở thời điểm hiện tại nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Đông vẫn là địa bàn Nhà Trắng không thể bỏ qua. Saudi Arabia cùng Israel vẫn là hai trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực này.

Khi ấy, chuyến thăm của ông Austin có thể khẳng định cam kết chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời ít nhiều hàn gắn và củng cố quan hệ đồng minh. Lĩnh vực mà hai bên có thể thúc đẩy nhân lần công du này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là hợp tác về an ninh và chống khủng bố.

Ngày 5/9, Saudi Arabia đã đánh chặn thành công hai tên lửa được cho là do phiến quân Houthi phóng từ Yemen nhắm vào thành phố Damman ở phía Tây, nơi có mỏ dầu lớn của quốc gia này.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích hành động “không thể chấp nhận” này đe dọa mạng sống người dân Saudi Arabi, kêu gọi phiến quân Houthi lập tức ngừng bắn, chấm dứt hoạt động tấn công từ phía Yemen và tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình trong tiến trình do Liên hợp quốc bảo trợ. Tuy nhiên, những lời này không tác động nhiều tới các đợt tấn công của phiến quân Houthi.

Khi ấy, chuyến thăm là cơ hội để Mỹ thể hiện cam kết thực chất hơn trong bảo đảm an ninh cho Saudi Arabia thông qua thảo luận về chuyển giao vũ khí mới để gia cố cho hệ thống phòng không tên lửa Patriot, đồng thời tăng cường hợp tác chống khủng bố, dù là phiến quân Houthi hay Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Vì thế, chuyến thăm Trung Đông của hai quan chức cấp cao Mỹ là dịp để Tổng thống Joe Biden khẳng định rằng “Nước Mỹ trở lại” không chỉ là khẩu ngữ sau những gì đã diễn ra tại Afghanistan.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Mỹ thăm Trung Đông: Afghanistan và hơn thế nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO