Đó là chia sẻ của Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan vào hôm nay (2/11) khi nói về Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch chuối tươi Việt Nam sang Trung Quốc, vừa được ký kết 2 ngày trước giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Hoan, chủ trương của ngành nông nghiệp là tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đối với thị trường Trung Quốc, sau khi xuất khẩu chính ngạch quả sầu riêng, Việt Nam đã ký được nghị định thư xuất khẩu quả chuối tươi.
“Tôi nghĩ chuối cũng như tất cả các loại nông sản khác, cần phải chuẩn hoá và đáp ứng được chuẩn mực của thị trường. Do đó, xuất khẩu chuối theo nghị định thư sẽ mở ra cơ hội cho ngành chuối phát triển bền vững”. Ông nói và nhấn mạnh, đây là thay thế hình thức đi buôn chuyến sang hợp tác xuất khẩu có sự kiểm soát của cả hai bên.
Bộ trưởng cho biết, trước kia chúng ta chỉ kiểm soát một phía. Hàng hoá sản xuất rồi đưa lên cửa khẩu, làm thủ tục thông quan sau đó phía Trung Quốc tự kiểm tra ở đầu bên kia. Còn bây giờ muốn xuất khẩu chuối, phải có sự đồng thuận kiểm định theo tinh thần nghị định thư mà Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký.
Ông cho rằng, mới đầu có thể khó khăn hơn với người nông dân, cơ sở đóng gói. Nhưng có nghị định thư sẽ giúp giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thông quan nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu, góp phần giảm ùn tắc.
Về lâu dài, sẽ đưa sản xuất với quy mô lớn hơn, tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người trồng chuối với nhau, giữa người trồng chuối và nhà đóng gói, doanh nghiệp xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo quy chuẩn, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người. Như vậy, nhà xuất khẩu có lợi, nông dân cũng được hưởng lợi, ông khẳng định.
Rút kinh nghiệm và có được bài học từ xuất khẩu chính ngạch từ trái sầu riêng sang Trung Quốc, xuất khẩu bưởi da xanh sang Mỹ, Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ sẽ tăng cường truyền thông tới các nhà vườn, hợp tác xã, các cơ sở đóng gói, doanh nghiệp về các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kiểm dịch của thị trường. Sẽ truyền thông đến từng nhà vườn để tập hợp nhau lại.
Theo ông, ở ĐBSCL diện tích chuối không lớn so với các vùng Tây Bắc, mà phân tán nhỏ lẻ. Do đó, các nhà vườn phải liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Bộ hay các cơ quan sẽ hướng dẫn đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác tới bà con. Khi liên kết lại, chúng ta sẽ có vùng nguyên liệu lớn.
“Trước đây chưa bao giờ đưa chuối là một ngành hàng. Lần này, có được cơ hội xuất khẩu chính ngạch, chúng ta phải phát triển theo hướng ngành hàng”. Ông đề nghị chính quyền địa phương đứng ra tổ chức lại ngành hàng chuối ở 13 tỉnh ĐBSCL. Các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ để bà con nâng dần chất lượng trái chuối của mình.
Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, phải thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi quy trình canh tác. Chúng ta không đi buôn chuyến nữa mà đường đường chính chính xuất khẩu quả chuối sang Trung Quốc.
Sau quả chuối, với các nông sản khác cũng phải vậy. Bộ NN-PTNT sẽ cùng các bộ ngành xây dựng đề án phát triển cho từng loại trái cây, phù hợp với từng thị trường.
Ông cho rằng mới đầu sẽ khó khăn, nhưng quan trọng là bà con cần thay đổi tư duy. Bởi chúng ta không thể giống vừa qua, khi chịu quá nhiều rủi ro về bất ổn thị trường dẫn đến ùn ứ ở cửa khẩu.
Thống kê của Bộ NN-PTNT, sản lượng chuối cả nước đạt khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm. Năm 2021, đây là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long, xoài. Khối lượng xuất khẩu chuối sang Trung Quốc thực hiện kiểm dịch thực vật năm 2021 là 574.000 tấn. 9 tháng năm nay, nước ta đã xuất khẩu 591.000 tấn chuối sang thị trường này.