Bộ trưởng kể chuyện phim Hàn Quốc để nói về 'sức mạnh văn hóa'

Hoài Thu| 22/12/2023 16:38

Nhắc đến thực tế trường quay của nhiều bộ phim Hàn Quốc đã trở thành những điểm du lịch nổi tiếng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đó chính là sức mạnh của văn hóa và Việt Nam cần phát huy.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 22/12, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan chia sẻ các câu chuyện về Hàn Quốc.

Lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn

Ông nhắc đến Đảo Nami - trường quay của phim "Bản tình ca mùa đông" và cho biết nơi đây đã là điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch. Bên cạnh đó, bộ phim còn có ảnh hướng tới cả xu hướng thời trang.

"Như vậy, lực hấp dẫn của văn hóa tạo ra hiệu ứng lớn. Phim Hàn Quốc đi tới đâu thì các sản phẩm của Hàn Quốc đi ra thế giới tới đó. Quảng cáo từ phim đã cộng hưởng để tạo ra nguồn kinh phí lớn, hiệu ứng tốt. Đó cũng là không gian phát triển cho các nhà làm văn hóa", ông Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng kể chuyện phim Hàn Quốc để nói về sức mạnh văn hóa - 1

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị (ảnh: Đoàn Bắc).

Vị Bộ trưởng cũng nhắc tới bộ phim "Dae Chang Kum" và nói phim trường nơi này đã tạo ra một quần thể thu hút khách du lịch. Không chỉ vậy, phim trường của bộ phim về thần y đã  tạo ra nghề bán thuốc cho làng.

Nhìn sang Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận việc Phú Yên đã sử dụng phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công.

Tư lệnh ngành Nông nghiệp gọi đây là "sức mạnh của văn hóa" và nhấn mạnh đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí, coi đây là tiềm lực quan trọng.

Ông Hoan cũng nhắc đến câu chuyện ở Bắc Giang, có sự kiện văn hóa - thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng, tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả.

Sự sáng tạo trong văn hóa, nông nghiệp - nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung, theo ông Hoan.

Cũng từ góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng công nghiệp văn hóa là lĩnh vực ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà bài toán nằm ở chỗ "có dám cho làm không".

Theo ông, cần có những công cụ đo đếm đầy đủ lĩnh vực này, bằng cả phương pháp kinh tế và công nghệ. Bởi thực tế, bên cạnh lực lượng chính thống nằm trong tầm quản lý, còn có lực lượng sáng tạo nội dung trên mạng mang về doanh thu lớn.

Bộ trưởng kể chuyện phim Hàn Quốc để nói về sức mạnh văn hóa - 2

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm (Ảnh: Đoàn Bắc).

"Năm nay, riêng các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được 8.000 tỷ đồng. Chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số, doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ", ông Lâm nêu thực tế.

Thứ trưởng Bộ Thông tin cũng cho rằng cần sớm xây dựng và áp dụng cơ chế thử nghiệm trong đổi mới sáng tạo của văn hóa. "Chúng ta nên suy nghĩ thêm là dám cho làm và dám chấp nhận, có sai, có sửa, vừa làm vừa rút kinh nghiệm", theo lời ông Lâm.

Doanh nghiệp muốn xây công trình văn hóa đẳng cấp ở hồ Tây

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, biết hầu hết địa phương đều ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa và kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu.

Tuy nhiên, với các dự án về du lịch, văn hóa đòi hỏi việc đầu tư tài chính dài hạn với thời gian thu hồi vốn chậm.

Bộ trưởng kể chuyện phim Hàn Quốc để nói về sức mạnh văn hóa - 3

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group (Ảnh: Đoàn Bắc).

Vì thế, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất...

Chia sẻ thêm, bà Hoài Anh cho hay với mong muốn nghiên cứu, đầu tư và xây dựng công trình kiến trúc mang dấu ấn vượt thời gian tại Hà Nội, Tập đoàn Sun Group đã chủ động liên hệ với Kiến trúc sư huyền thoại người Italy Renzo Piano để đề xuất thiết kế công trình văn hóa đẳng cấp dành riêng cho thành phố.

Kiến trúc sư này đã tốn nhiều năm lên ý tưởng, dựa trên vẻ đẹp, văn hóa lịch sử của Hà Nội cũng như những huyền tích của Hồ Tây, của những câu chuyện văn hóa cổ xưa, để đưa vào việc thiết kế nhà hát, kết hợp với vật liệu thiết kế, xây dựng và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới.

"Nếu được triển khai Nhà hát tại khu vực bán đảo Quảng An, đây không đơn thuần là một công trình kiến trúc văn hóa đẳng cấp, biểu tượng của Thủ đô thời kỳ mới, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang linh hồn Hà Nội", đại diện Sungroup nêu quan điểm.

Trước thực tế dự án vẫn đang nằm trên bản vẽ, bà Hoài Anh đề xuất có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy triển khai công trình văn hóa mang tầm thế giới tại Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng kể chuyện phim Hàn Quốc để nói về 'sức mạnh văn hóa'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO