Chia sẻ về năm trọng tâm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nâng cao đời sống giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, năm 2023 và 2024 được xác định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hiện chương trình được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đi được hơn nửa chặng đường. Khối lượng công việc ngành đang thực hiện rất lớn, vừa rút kinh nghiệm, vừa tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với các lớp đã triển khai, triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.
Về tăng thu nhập cho giáo viên, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng ban hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách nhằm hỗ trợ, khắc phục dần khó khăn đối với giáo viên.
Trong đó đặc biệt chú trọng giáo viên mầm non như: chế độ về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non và đề xuất chính sách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/CP, trong đó ưu tiên đối với giáo viên.
Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Hiện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét.
- Những nỗ lực này mang lại thay đổi thế nào về chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, thưa ông?
Mức tăng này chưa như kỳ vọng ban đầu 10 - 25%, nhưng đó cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho hàng triệu giáo viên được tăng thu nhập, đời sống đảm bảo và giải được bài toán làm thế nào để thu hút và giữ chân giáo viên ở lại với nghề. Do đó, tôi rất mong các bộ, ngành xem xét, ủng hộ để mức phụ cấp “nhỏ nhưng ý nghĩa lớn” sẽ sớm được thực hiện.
Bộ GD&ĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo (Luật Giáo dục 2019). Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10 thay vì 1,86 như trước đây.
Ngoài ra, để giúp giáo viên mầm non ngoài công lập khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập. Kết quả đã hỗ trợ gần 50 nghìn giáo viên với kinh phí gần 160 tỷ đồng.
Đến ngày 1/7/2024 tới đây, lương giáo viên tiếp tục tăng sau cải cách tiền lương. Đây là điều đáng trông chờ, hy vọng đời sống ngày càng được nâng cao, giáo viên sống được bằng nghề. Từ đó, thầy cô sẽ yên tâm cống hiến với sự nghiệp trồng người.
- Dù Bộ GD&ĐT có nhiều nỗ lực để tăng lương, phụ cấp cho giáo viên, nhưng ông vẫn còn nhiều trăn trở?
Nhìn chung, lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống cho giáo viên. Thu nhập thấp đang là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giáo viên không yên tâm công tác, bỏ nghề, chuyển việc, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Con số này gia tăng không ngừng vì số lượng học sinh đầu năm học vừa rồi tăng lên rất nhiều (chỉ riêng tỉnh Bình Dương đã tăng 35.000 học sinh).
Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc vẫn tiếp diễn. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.
Thống kê của ngành nội vụ, hiện, các tỉnh vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu chưa dùng. Có nhiều lý do, có nơi dùng để dành để cắt giảm 10% biên chế, nhưng cũng có nơi không có nguồn tuyển.
Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt, giao cho Chính phủ bố trí hơn 27.000 biên chế/tổng số hơn 65.000 biên chế giáo viên, bù đắp được phần nào nhu cầu tuyển dụng.
Tuy nhiên, so với số lượng còn thiếu thì con số này vẫn khiêm tốn, chưa giải quyết được căn bản tình trạng thiếu giáo viên. Do đó, quan trọng nhất là làm sao có đủ giáo viên; làm sao để thầy cô thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới.
- Cá nhân Bộ trưởng và các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT sẽ có những giải pháp nào trong thời gian tới để giải quyết những tồn đọng trên, thưa ông?
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực. Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn và nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp để thầy cô giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS.
Bộ cũng chỉ đạo ráo riết hơn nữa đối với các trường đại học sư phạm trong đào tạo nguồn giáo viên để đủ nguồn tuyển; điều chỉnh Nghị định 116, tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm.
Bộ GD&ĐT đồng thời đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng giáo viên mầm non theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ, đặt ra yêu cầu đến năm 2030 thầy cô phải đạt chuẩn. Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt cho môn Tin học, Ngoại ngữ.
Tôi cho rằng, với ngành giáo dục, có lẽ cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD&ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, Quốc hội các phương án tăng cường điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục.
Nếu không có những điều kiện tối thiểu như đủ giáo viên, trường lớp; trường lớp được kiên cố, khang trang; đủ nhà công vụ cho giáo viên vùng xa; đủ nhà vệ sinh cho trường học; đủ trang thiết bị cho giáo dục; đủ đầu tư tài chính cho các hoạt động…, thì chúng ta có nỗ lực cũng khó đạt được các kỳ vọng và mục tiêu lớn.
Bộ trưởng GD&ĐT hỏi thăm, động viên học sinh, giáo viên đầu năm học mới 2023 - 2024.
- Gần 3 năm đảm nhiệm vị trí “tư lệnh” ngành giáo dục, có thể thấy, ngành đã làm được rất nhiều việc quan trọng. Vậy trong thời gian tới đây, Bộ trưởng sẽ quan tâm, giải quyết những vấn đề nào?
Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, tổng kết, đánh giá lại 10 năm đổi mới vừa qua và đề ra được những đường hướng để có thể phát huy những việc đã làm được, đồng thời điều chỉnh để làm tốt hơn nữa nhằm đạt đến mục tiêu phát triển con người, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong chặng đường đất nước phát triển, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai những yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo chương trình mới, còn chặng đường hơn 2 năm nữa sẽ hoàn tất từ lớp 1 đến 12.
Chúng tôi thấy rằng, đây là những năm quan trọng, vừa triển khai các nội dung còn lại, vừa đánh giá trong thực tế từng nội dung, từng công việc để năm 2025 có thể nhìn nhận tương đối đầy đủ cả quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, sẵn sàng điều chỉnh để tốt hơn ở giai đoạn sau nếu xét thấy cần thiết.
Trong vài năm tới, chúng tôi xác định việc thử nghiệm và đưa vào triển khai trong thực tế chương trình giáo dục mầm non mới. Với cả ba khâu là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cùng đồng thời đổi mới và đạt được chất lượng giáo dục thì mới có thể đem lại kết quả toàn diện của ngành.
- Bước sang năm mới 2024, Bộ trưởng gửi gắm điều gì tới học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh?
Trong rất nhiều diễn đàn gần đây của ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã lưu ý tới các nhà trường, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cần lưu ý đến việc chia sẻ, vận động, trao đổi với phụ huynh. Ngành giáo dục đang trong quá trình đổi mới, một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo đổi mới kết quả tốt là sự phối hợp, sự chia sẻ, sự đồng hành của phụ huynh.
Tôi mong rằng, trong thời gian tới, phụ huynh tiếp tục quan tâm tới tính mới trong giáo dục. Sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường là khâu quan trọng để đảm bảo cho học sinh có năm học an toàn, trường học có thể đạt được các mục tiêu của năm học.
- Trân trọng cảm ơn ông!