Sáng 18/4, tại Bình Dương, tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai thực hiện nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chú ý đào tạo con người đô thị
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, Đông Nam Bộ là khu vực bao gồm cả nấc thang cao nhất của giáo dục và cả những phần thấp nhất của giáo dục. Nơi đây vẫn còn tỷ lệ người mù chữ, vẫn còn lớp học tình thương dành cho con em người lao động không có chỗ học.
Bộ trưởng đặt vấn đề, ở "3 tây" (gồm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) sẽ thấy những thuận lợi cho dạy người, khó cho dạy nghề và rất khó bồi dưỡng nhân tài. Còn Đông Nam Bộ Còn là vùng đất thuận cho dạy nghề, tốt cho nhân tài nhưng đầy thách thức với việc dạy người.
Theo Bộ trưởng, câu chuyện giáo dục ở vùng này cũng bao gồm 3 phương diện nhân - nhân lực - nhân tài.
Trong vấn đề "nhân", giáo dục dạy người vùng nào cũng quan trọng, có yêu cầu giống nhau như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định những phẩm chất, năng lực và giá trị cốt lõi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, riêng với Đông Nam Bộ cần chú ý thêm một điểm trong giáo dục con người đó là tạo ra một lớp thị dân mới, những con người ở các đô thị với lối sống kỷ cương, tuân thủ pháp luật; những công dân số và biết sống văn minh. Cần phải giáo dục người dân ngay trong quá trình chuyển từ nông thôn thành đô thị.
Về vấn đề nhân lực, Bộ trưởng nhấn mạnh, gốc của chất lượng nhân lực không đâu khác mà phải bắt đầu từ giáo dục phổ thông. Điều này yêu cầu chúng ta cần làm tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong vấn đề nhân lực, khu vực Đông Nam Bộ cần ưu tiên trọng tâm cho nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật kỹ thuật, công nghệ.
Về khía cạnh nhân tài, Bộ trưởng bày tỏ: "Chúng ta phải tập trung phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các lĩnh vực, đặt biệt là lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, khoa học, đổi mới, sáng tạo, quản trị, điều hành".
Hướng Đông Nam Bộ đến nhóm dẫn đầu Đông Nam Á
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết tỷ lệ lớp/trường các cấp học trong khu vực Đông Nam Bộ đều đứng thứ nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội và cao hơn so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học của vùng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục.
Đây là vùng có tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp cao nhất cả nước. Đặc biệt tỷ lệ học sinh/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước.
Năm học 2020 - 2021, 6/6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 1 là 100%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 là 100%; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 là 96%. Tỷ lệ đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 đạt 52,85% (bình quân cả nước là 48,98%).
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày được các địa phương triển khai thực hiện tích cực, số trường và số học sinh học 2 buổi/ngày ngày càng tăng sau mỗi năm học. Kết quả, tính đến năm học 2020 - 2021, tỷ lệ cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 74,3% (tăng 19,6% so với năm học 2010 - 2011); tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 77%.
Tỷ lệ cơ sở giáo dục THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 76,9% (tăng 40,4% so với năm học 2010 - 2011). Tỷ lệ cơ sở giáo dục THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 83,7% (tăng 49,9% so với năm học 2010 - 2011).
Ở bậc đại học, tính đến tháng 6/2022, toàn vùng có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học của vùng đang phát triển theo hướng đa ngành; đào tạo nhiều cấp trình độ từ trình độ cao đẳng đến tiến sĩ.
Một trong những khó khăn của vùng, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, THCS để thực hiện cho chương trình mới.
Năm học 2022 - 2023 một số địa phương đã không tuyển đủ số biên chế giáo viên được giao. Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành tại khu vực có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn làm tăng thêm áp lực về vấn đề thiếu giáo viên.
Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, tầm nhìn 2045, giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Một số mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, huy động được ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Đến năm 2030, huy động được 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường.
Phấn đấu đến năm 2030, đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, 100% giáo viên mầm non đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên và ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Với giáo dục phổ thông, phấn đấu 50% số tỉnh, thành phố trong vùng đạt phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Tỷ lệ lên lớp cấp tiểu học và tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99%. Tỷ lệ lên lớp đến cấp THCS đạt 98,93% và cấp THPT đạt 98,91%. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp THCS đạt 99,02% và cấp THPT đạt 99,01%.
Hướng đến tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 76% và trung học phổ thông khoảng 60% vào năm 2030.
Giáo dục đại học hướng đến xây dựng TPHCM thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia.