Sáng 25/5, thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong những ngày gần đây, dư luận xã hội có nói nhiều đến việc giá sách giáo khoa tăng 2-3 lần.
"Việc này, hôm nay tôi không phải thanh minh hay giải thích thay cho doanh nghiệp, nhưng cung cấp thông tin để các đại biểu biết thêm", ông Sơn nói tại đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, khi so sánh giá sách giáo khoa thì phải so sánh với sách tương đồng. Tức là các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau, như sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10. Một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách.
"Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Còn các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính", ông Sơn nói và cho biết, năm nay bộ này chỉ đạo rất "ráo riết" để sách giáo khoa giảm được từ 10-15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, bộ sách giáo khoa thuộc chương trình năm 2016 có giá thành dao động từ 50.000 đồng đến hơn 100.000 đồng, còn giá bộ sách mới dao động từ 200.000-300.000 đồng tùy từng loại.
Theo ông Sơn, sở dĩ sách giáo khoa theo chương trình năm 2016 rẻ hơn là vì trước đây nhà nước đã bỏ tiền cho các khâu như biên soạn, thẩm định sách. Đặc biệt, sách theo chương trình cũ có khổ nhỏ hơn, giấy xấu hơn.
"Nếu như so sánh bộ sách giáo khoa hiện nay với sách của hệ thống cũ (nhà nước tổ chức biên soạn) thì thấy khác nhau và nói tăng giá thì sự so sánh đấy không tương đồng, còn nếu so với sách của chương trình mới với nhau thì đồng đẳng, nên hợp lý hơn", ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản giáo dục, với mỗi loại sách phải dành 25.000 cuốn phát cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, khi sách chưa phát hành, Bộ này yêu cầu nhà xuất bản cung cấp bản mềm của sách lên các trang mạng của nhà xuất bản để học sinh có thể tiếp cận. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Sơn thì con số trên vẫn là ít. Do vậy, cần phải có thêm biện pháp khác.
"Trong các giải pháp mà Bộ đang tiến hành với mong muốn là làm sao giá thành sách hợp lý nhất, để thuận tiện cho người học", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Trước những băn khoăn vì sao sách giáo khoa hiện nay không dùng lại được, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần". Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách đưa vào các thư viện để học sinh có thể dùng nhiều lần.
"Còn người ta cứ nói năm nào cũng phải thay sách. Hiện nay, đang thay cuốn chiếu lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, còn năm tới là lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và một năm nữa mới thay xong. Như vậy, năm nào cũng có nhiệm vụ thay sách thì đương nhiên sách cũ sẽ không dùng được cho năm mới", ông Sơn nói thêm.
Trước đó, thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu ra một loạt vấn đề liên quan đến sách giáo khoa như in sai, ngôn từ còn nhiều điều không phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực, quá nhiều bộ sách giáo khoa được đề nghị sử dụng gây nên sự lúng túng trong lựa chọn với không chỉ với phụ huynh mà còn với các trường, sở giáo dục.
"Sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình khó khăn", đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, trong khóa Quốc hội khóa XIV đã có nhiều đại biểu Quốc hội đề cập đến vấn đề trên, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng cần phải giám sát là thật đúng đắn cái được, cái chưa được, để đề xuất, điều chỉnh nhằm thực hiện tốt hơn chương trình đổi mới chương trình giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nêu câu hỏi: "Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa không? Những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết".
Bà Thúy cho rằng, qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điều cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua giám sát, Quốc hội cũng có thể điều chỉnh các Nghị quyết của mình hoặc bổ sung chính sách, nếu cần thiết.