Cần có giải pháp đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực
Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) nêu vấn đề: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã nhận thức đúng tầm quan trọng và luôn quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo. Tuy nhiên, nhân lực qua đào tạo hiện nay chất lượng còn thấp, cơ cấu chưa hợp lý, phần lớn thiếu kỹ năng làm việc, thiếu lao động tay nghề cao trong nhiều ngành, lĩnh vực, kể cả các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, là động lực phát triển kinh tế. Trong khi đó, việc đào tạo chưa sát với thị trường; số người thất nghiệp có trình độ đại học, sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo còn cao; ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nghề nghiệp, đào tạo cao đẳng, đại học còn thấp. Dù thu nhập thấp nhưng người học đại học ở nước ta phải trả chi phí còn cao. Bên cạnh đó, vai trò định hướng, điều tiết, kiểm soát trong các khâu của quá trình đào tạo chưa được thực hiện tốt.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, thua xa rất nhiều quốc gia. Để vượt qua thách thức tụt hậu xa về kinh tế, theo đại biểu Phan Viết Lượng, rất cần có các giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực qua đào tạo.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục cao đẳng, đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong cả nước, từng vùng và địa phương.
Cơ chế, chính sách thúc đẩy việc định hướng, phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau bậc trung học cần được thực hiện tốt hơn, song song với việc tăng cường năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo cao đẳng, đại học; đổi mới mạnh mẽ việc phân bổ dự toán chi cho đào tạo, dạy nghề theo hướng tăng ngân sách nhà nước, khắc phục cấp phát ngân sách theo bình quân, tiến hành giao kinh phí theo số lượng, chất lượng dịch vụ theo kết quả đầu ra.
Đại biểu cũng đề xuất giải pháp tổ chức đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành nghề mà nền kinh tế rất cần, như logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; huy động các nguồn lực đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực, giảm chi phí cho người học; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trục lợi trong đào tạo; khắc phục tình trạng đào tạo không đảm bảo chất lượng, đào tạo không xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, không vì quyền lợi của người học.
Sách giáo khoa - vấn đề quan tâm của toàn xã hội
Cho ý kiến về vấn đề giáo dục nghề nghiệp, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ và các địa phương có chính sách cụ thể, hiệu quả trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiệu quả trong phân luồng đầu tư có trọng điểm, thật hiện đại cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh khởi nghiệp, "khuyến nghề". "Hiện nay chúng ta chỉ nặng về khuyến học, khuyến tài, còn việc khuyến nghề ít được quan tâm, mảng này đang bị trống và không được khuyến khích một cách thỏa đáng", đại biểu nhận xét.
Về sách giáo khoa, theo đại biểu Thưởng, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng, tích cực tiếp thu ý kiến đại biểu theo hướng cầu thị, song sách giáo khoa vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà trường, học sinh và phụ huynh.
"Trước tình hình đó, chúng ta sẽ làm gì và phải làm gì để xử lý vấn đề này? Nhiều phụ huynh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn vì sách giáo khoa - tài liệu dạy và học của quốc gia phải thống nhất toàn quốc. Nếu mở rộng xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa như hiện nay sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy mà chúng ta không thể lường hết được", đại biểu nêu quan điểm.
Sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa
Làm rõ thêm một số nội dung liên quan được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, cử tri, Bộ đã có báo cáo giải trình gửi Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa lớp 1, sau khi các đại biểu Quốc hội phản ánh những bất cập, Bộ trưởng cho biết đợt đổi mới lần này là đổi mới căn bản từng chương trình, từng mục tiêu, nội dung, phương pháp. Thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, chủ trương đối mới một số chương trình, sách giáo khoa và xã hội hóa sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 46 sách giáo khoa thuộc 5 bộ sách của 3 nhà xuất bản.
“Các bộ sách này và 46 sách đều được các nhà trường lựa chọn, đưa vào giảng dạy”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin, đồng thời cho biết: "Đối với sách Tiếng Việt 1 (bộ sách Cánh Diều), Bộ đã nhận được phản ánh của người dân, cử tri, các nhà khoa học về một số dữ liệu chưa phù hợp. Ngay sau đó, Bộ đã yêu cầu Hội đồng thẩm định, tác giả, nhà xuất bản tiếp thu sửa đổi phù hợp với ngữ điệu, tâm lý học sinh lớp 1". Các bộ sách khác vẫn đang được triển khai, tuy nhiên, Bộ đã chỉ đạo tất cả các nhà xuất bản rà soát kỹ lưỡng.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, sách giáo khoa được hiệu đính, chỉnh sửa thường xuyên để phù hợp với thực tiễn, "không phải ban hành xong là xong". Sau một năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, cùng đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy để sửa đổi sách giáo khoa toàn diện hơn.
Làm rõ thông tin về việc người dân phản ánh giá sách giáo khoa cao hơn trước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Theo khảo sát ghi nhận giá sách giáo khoa mới cao gấp đôi. Tuy nhiên, sách mới được biên soạn theo chương trình mới, số trang nhiều hơn, chất lượng tốt hơn, màu tốt hơn nên giá thành sẽ cao hơn. Bộ trưởng cho biết thêm, sách giáo khoa mới thực hiện theo chương trình xã hội hóa, nên một số chi phí không được trợ cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các nhà xuất bản giảm giá thành, các phương án giá đều đã trình Bộ Tài chính xem xét và được chấp thuận.
Nói về việc ép học sinh mua sách, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Trong thực tế, sách giáo khoa là tài liệu được sử dụng chính thức và bắt buộc, còn tài liệu tham khảo hay sách tham khảo không phải bắt buộc trong nhà trường. Theo Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 21, trong đó nêu rõ là không được ép học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
“Rất tiếc trong thời gian vừa qua, cá biệt một số nhà trường chưa thực hiện nghiêm điều này, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương và trực tiếp đi thanh tra để chấn chỉnh. Tới đây, chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa Thông tư 21 theo hướng tăng chế tài để quản lý thật chặt sách tham khảo, để sách giáo khoa thực sự là sách giáo khoa trong nhà trường, đảm bảo ổn định", Bộ trưởng nhấn mạnh.