Có 28 đại biểu Quốc hội chất vấn và có 10 ý kiến tranh luận đối với nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngành giáo dục là một trong những ngành chịu tác động ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của đại dịch COVID-19. Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học mà còn có thể làm chậm tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.
Vì vậy, phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thu hút được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và hàng chục triệu học sinh, phụ huynh học sinh trên toàn quốc.
Phiên chất vấn đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành giáo dục trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 như việc bảo đảm chất lượng dạy và học; tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch COVID-19.
Bên cạnh vấn đề về chất lượng giáo dục, các vị đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến yếu tố dạy người; kỹ năng sống, nhân cách để góp phần phát huy và duy trì đạo đức xã hội; công tác dạy và học trực tuyến phải đảm bảo thực chất, hiệu quả; sự công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa các vùng miền khác nhau; việc giảm tải chương trình cho học sinh; việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các khu vực vùng miền; công tác bảo đảm an toàn trường học; y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã báo cáo, giải trình thêm về việc thực hiện Nghị quyết 19 liên quan đến đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng như những nội dung liên quan đến việc triển khai chủ trương dạy và học bằng hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trả lời, làm rõ thực trạng, những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với những vấn đề thuộc chủ đề của chất vấn đặt ra, có phân tích theo từng cấp học như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học.
Các vị đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn, sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn những ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Bộ thích ứng tình hình mới, vừa xây dựng và thực thi chiến lược chương trình tổng thể thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh; chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải chương trình cho học sinh; đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị phù hợp cho dạy và học trực tuyến; phối hợp với các cấp, các ngành địa phương đảm bảo công tác an toàn trường học.
Đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương để nghiên cứu và sớm triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine cho học sinh, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học sớm nhất, nội dung này phải được nghiên cứu rất kỹ lưỡng và phải có cái chiến lược rất rõ ràng.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần tập trung đúc rút kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2021, sớm hoàn thiện phương án tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học cao đẳng 2022; tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, cơ sở giáo dục trong đào tạo, tổ chức thi và công tác tuyển sinh; tiếp tục quan tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách phối hợp với các bộ, ngành; cân đối bố trí đủ kinh phí thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tiếp tục rà soát đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập về đầu mối, trường lớp, số lượng, chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý gắn với đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này.
Tăng cường quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính, không để xảy ra các sai phạm; lưu ý việc mở mã ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học đa ngành, đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo; tiếp tục nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong cả đơn vị sự nghiệp công và sự nghiệp ngoài công lập do bị tác động bởi đại dịch COVID-19./.