Đột phá trong cải cách hành chính
Trong buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các ĐBQH TPHCM tại quận Gò Vấp vào ngày 22/11 vừa qua, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM có thông tin với cử tri về việc thành phố đã xây dựng đề án sắp xếp các tổ chức cấp dưới phường, xã và Ban Thường vụ Thành ủy đã cho ý kiến về tờ trình của đề án này.
Trước đó, ngày 10/11, Sở Nội vụ TPHCM có tờ trình gửi Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM về xin chủ trương định hướng sắp xếp tổ chức khu phố, ấp trên địa bàn theo quy định của Trung ương. TPHCM đang duy trì mô hình 2 cấp dưới phường, xã. Cụ thể, dưới phường (thị trấn) là khu phố, dưới khu phố là tổ dân phố; dưới xã là ấp, dưới ấp là tổ nhân dân, khác với quy định của Trung ương và các địa phương khác.
TPHCM hiện có 27.377 tổ chức dưới phường, gồm 2.008 khu phố - ấp và 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân với tổng nhân sự gần 64.300 người và nếu tiếp tục duy trì thì số lượng nhân sự sẽ tăng lên khi dân số tăng, tiếp tục thực hiện chia tách, thành lập mới. Theo Sở Nội vụ TPHCM, mô hình tổ chức tự quản 2 cấp dưới phường, xã được xây dựng từ năm 1985 và tới nay thì không còn phù hợp với quy định của Trung ương.
Theo phương án do Sở Nội vụ đề xuất, mô hình tự quản dưới phường, xã, thị trấn tại TPHCM sẽ không còn tổ dân phố - tổ nhân dân mà chỉ có khu phố - ấp. Mô hình này nhập từ 3 - 5 tổ dân phố, tổ nhân dân hiện hữu thành một khu phố, bình quân khoảng 450 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã; hoặc chia nhỏ các khu phố, ấp thành 2 - 3 khu phố, ấp mới. Với phương án này, số lượng khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân được kéo giảm từ 27.377 tổ chức còn 5.242 tổ chức, tương đương gần 80%.
Trao đổi với Dân trí, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ông đánh giá cao kế hoạch dự kiến của UBND TPHCM.
"Nếu như TPHCM thực hiện được kế hoạch này thì đây thực sự là một kỷ lục, có thể gọi là một bước cách mạng về quản lý hành chính", ông Nhưỡng nói.
Bên cạnh đó, ông Nhưỡng cũng cho biết, khi triển khai kế hoạch này thì cần xem lại Nghị quyết số 54/2017/QH14 năm 2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh xem là có ảnh hưởng gì tới công tác tổ chức chính quyền đô thị hay không?
"TPHCM triển khai thí điểm hay là sẽ áp dụng chính thức luôn thì tùy thuộc vào sự tính toán cân nhắc của chính quyền thành phố để đạt được hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng tách ra rồi lại nhập vào, nhập vào rồi lại tách ra, giảm được đầu mối nhưng lại tăng phình chỗ khác.
Sau khi TPHCM áp dụng thành công có thể báo cáo Trung ương xem xét cho phép áp dụng tại Hà Nội và các thành phố khác. Tôi hy vọng rằng việc tổ chức rút gọn số lượng khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân sẽ mang lại kết quả tích cực, thực sự là một bước đột phá trong cải cách hành chính", ông Nhưỡng bày tỏ.
Tiết kiệm ngân sách
Hiện tại, số lượng người hưởng phụ cấp theo Quyết định 48/2015 của UBND TPHCM, các khu phố - ấp có 13 chức danh gồm: Bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ, bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng nông dân, chi hội trưởng cựu chiến binh… theo kiểu cấp xã có chức danh gì thì ấp có chức danh đó. Nếu áp dụng theo Nghị định 34/2019, nhân sự ở khu phố - ấp chỉ còn 3 chức danh gồm: Bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành và trưởng ban công tác mặt trận.
Để đảm bảo hoạt động được tính rộng khắp trong quản lý, Sở Nội vụ đề xuất bổ sung thêm 2 chức danh Chi hội trưởng phụ nữ và Bí thư Chi đoàn thanh niên, nhưng tổng kinh phí phụ cấp vẫn giữ nguyên theo quy định. Khi đó số người hoạt động giảm từ gần 64.300 người còn hơn 26.200 người, tức là giảm gần 60%.
Về kinh phí hoạt động hàng năm, với mô hình TPHCM đang xây dựng sẽ giảm từ 527 tỷ đồng xuống còn 482 tỷ đồng, tức là tiết kiệm được 45 tỷ đồng.
Về điều kiện cơ sở vật chất hoạt động, hiện 426/2008 khu phố - ấp không có trụ sở, một vài nơi có diện tích rất nhỏ và theo phương án đề xuất thực hiện thì sử dụng chung các trụ sở đã có hoặc mượn trụ sở của các trường học, cơ quan trú đóng trên địa bàn.
Trao đổi với Dân trí, PGS. TS Bùi Thị An (ĐBQH khóa XIII) - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho hay, việc TPHCM công bố kế hoạch xóa bỏ tổ dân phố - tổ nhân dân là một quyết định phù hợp với quy định của Trung ương.
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18 về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ của chính quyền địa phương là từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.
"Tôi ủng hộ kế hoạch này của TPHCM, nếu như triển khai thành công thì đây là một bước tiến bộ vượt bậc và sẽ trở thành bài học quý giá cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tôi chỉ xin lưu ý một điểm thôi, là khi xóa bỏ tổ dân phố - tổ nhân dân thì những nhu cầu thường nhật của người dân vẫn cần phải được duy trì đầy đủ, cần có sự chuẩn bị chu đáo để hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân trước khi áp dụng, tránh tình trạng sau khi đã xóa bỏ rồi mà người dân có nhu cầu cần thiết lại không biết tìm ai để giải quyết", bà An nói.