Theo giới phân tích, giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang được triển khai nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần cắt giảm, thậm chí là bỏ các loại thuế, phí đang "bủa vây" giá xăng dầu - một trong những nguyên nhân đẩy giá mặt hàng này tăng cao.
Ghìm cương giá xăng, phải giảm thuế phí
Khi giá xăng dầu đang ở mức rất cao và với tình hình địa chính trị thế giới phức tạp, mặt hàng này còn nguy cơ tăng tiếp thì câu chuyện cắt giảm thuế, phí với xăng dầu càng trở nên cấp bách. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương và Tài chính cần cân nhắc sớm nhất có thể để trình Chính phủ và Quốc hội kiến nghị về việc giảm thuế môi trường và bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thiết yếu này. Xăng dầu tăng cao quá sẽ kéo theo hàng hóa, dịch vụ tăng theo, dẫn đến nhiều hệ lụy, cản trở mọi nỗ lực của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế...
Tuy nhiên, việc hạ thấp thuế xăng dầu cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng, giảm loại thuế nào, bao nhiêu phần trăm và thời hạn ra sao.
Một chuyên gia phân tích, trong số các loại thuế phí cấu thành nên giá xăng, không thể giảm thuế nhập khẩu bởi theo các cam kết tại Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mức thuế này sẽ giảm dần về 0%. Hiện thuế nhập khẩu với dầu diesel đã gần về 0%, còn với xăng sẽ giảm về 0% vào năm 2024 theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Chính vì vậy, cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt là phương án tối ưu.
"Đây là lúc người tiêu dùng, doanh nghiệp cần được chia sẻ nhất khi đang nỗ lực phục hồi, thích nghi với điều kiện bình thường mới. Để kìm giá xăng dầu cần có các giải pháp như xem xét giãn, hoãn, giảm một hoặc một số loại thuế ở mặt hàng này như VAT, thuế bảo vệ môi trường", vị này nói.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, công cụ để kiểm soát giá xăng, dầu mà nhà nước có thể tính đến là thuế, phí, như giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế bảo vệ môi trường ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần đánh giá được mức độ thay đổi của giá thế giới với khả năng cung ứng trong nước, từ đó dự báo mức độ tăng giá, còn Bộ Tài chính là đơn vị xem xét, trình các chính sách về thuế, phí như thế nào cho hợp lý để trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền.
Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sản xuất - kinh doanh thì việc phải tốn chi phí cho các loại thuế, phí trong giá xăng dầu là chưa "hợp tình hợp lý". Khi chưa trả xăng dầu về với thị trường, trong lúc giá xăng thế giới liên tục tăng cao và các công cụ bình ổn giá khác đã hết dư địa, giảm thuế là phương án cần thiết để "hạ nhiệt" giá xăng.
“Mặt khác, do giá xăng dầu đang chịu gánh nặng rất lớn từ hàng loạt thuế, phí, lợi nhuận định mức...nên việc giảm thuế cần được xem xét ngay cả khi giá xăng dầu thế giới không tăng cao”, bà Lan đề xuất.
Theo bà Lan, mức thuế, phí, nhất là thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì cần được xem xét, điều chỉnh linh hoạt phù hợp để tránh tình trạng chồng chéo và góp phần chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nặng nề.
Chính phủ, Quốc hội đã bàn thảo, thông qua nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục sau thời gian dài "đóng băng" hoạt động vì dịch bệnh, trong đó có miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế.
"Thế nhưng, thuế, phí trong nhiên liệu đầu vào quan trọng của doanh nghiệp là xăng dầu không được giảm thì chưa thể hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Các phần thuế khác được giảm có thể không bù đắp nổi chi phí gia tăng do giá xăng dầu tăng mạnh vào đúng thời điểm doanh nghiệp trở lại thị trường và có nhu cầu sản xuất, vận chuyển... rất lớn", bà Phạm Chi Lan chỉ rõ.
Do giá xăng dầu đang chịu gánh nặng rất lớn từ hàng loạt thuế, phí, lợi nhuận định mức...nên việc giảm thuế cần được xem xét ngay cả khi giá xăng dầu thế giới không tăng cao.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Còn theo chuyên gia kinh tế, GS-TS Phạm Thị Mỹ Dung, Viện trưởng Viện Khoa học Phát triển Nông thôn, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên tiến trình này. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới nên Việt Nam rất khó giảm. Song có thể kìm hãm đà tăng bằng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc điều chỉnh quỹ bình ổn giá...
“Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được thì nên làm ngay. Hiện doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng. Chính sách gì thì cốt lõi vẫn phải tạo tâm lý an dân mới phục hồi kinh tế đường dài được”, bà Dung nói.
Trả lời báo chí ngày 16/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giả sử giá dầu thô vượt 100 USD/thùng thì ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá thì phải tính đến công cụ khác là thuế phí.
“Nếu giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách đang triển khai trong Chương trình phục hồi kinh tế, kể cả việc giảm thuế VAT 2%”, ông Đông nhận định và cho rằng phải tính đến sử dụng công cụ thuế phí khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn.
Một lít xăng gánh gần chục loại thuế, phí
Chia sẻ với PV VTC News, một cán bộ thuộc Tập đoàn xăng dầu Petrolimex cho biết, cơ cấu giá mỗi lít xăng gồm: giá CIF tính thuế (giá xăng nhập khẩu đã bao gồm chi phí vận chuyển), thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Chưa hết, mỗi lít xăng còn gánh chi phí định mức kinh doanh, lợi nhuận định mức và trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) theo sự điều hành thực tế của cơ quan quản lý.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Công Thương, tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở xăng dầu (cụ thể với mức giá áp dụng ngày 11/02/2022) bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của từng loại xăng dầu như sau:
Xăng E5 RON92: 10.576 đồng/lít chiếm 42,7% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 24.771 đồng/lít). Xăng RON95: 10.942 đồng/lít chiếm 43,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 25.332 đồng/lít)
Về thuế phí với các mặt hàng dầu: Dầu diesel: 5.294 đồng/lít chiếm 26,1% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 20.265 đồng/lít). Dầu hỏa: 4.005 đồng/lít chiếm 21,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 18.851 đồng/lít). Dầu mazut: 4.809 đồng/kg chiếm 27,2% trong giá cơ sở (giá cơ sở hiện tại là 17.659 đồng/kg).
Căn cứ vào giá nhập khẩu bình quân, sau khi cộng thêm các khoản phí, thuế…Liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ quyết định việc tăng hoặc giảm giá hay trích lập Quỹ bình ổn.
Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được thì nên làm ngay. Hiện doanh nghiệp cứ nghe tăng giá thứ gì đều thấy lo lắng.
GS-TS Phạm Thị Mỹ Dung
Trong các loại thuế phí, thuế bảo vệ môi trường được coi là loại thuế đánh nặng nhất vào các mặt hàng xăng dầu. Chẳng hạn, với giá xăng RON95 là 25.320 đồng/lít và xăng E5RON 92 là 24.570 đồng/lít, mức thuế bảo vệ môi trường từ 3.800 - 4000 đồng/lít đang chiếm khoảng 6,5% giá bán lẻ các loại xăng.
Theo các chuyên gia, thuế bảo vệ môi trường được đánh giá là "bất hợp lý" nhất, đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối (3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95), thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Do đó, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Thời điểm tháng 3/2020, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Khi đó Bộ Công Thương cũng đánh giá tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu ở mức cao (khoảng 55-60% đối với mặt hàng xăng, 35-40% đối với mặt hàng dầu). Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11-20% đối với mặt hàng dầu.
Tuy nhiên, điều hành xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, nhưng chính sách giảm thuế phí thì do Bộ Tài chính tính toán. Thực tế, nhiều năm nay Bộ Công Thương đã kiến nghị giảm thuế phí trong một lít xăng dầu, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa đồng thuận vì nguồn thu từ thuế phí xăng dầu đóng góp lớn cho ngân sách.
PHẠM DUY