Bộ Tài chính nêu khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay

Thế Kha| 12/01/2023 12:22

Bộ Tài chính đánh giá, sau vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, diễn biến trên thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu tiếp tục khó khăn.

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 Nghị định 153/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và ngưng hiệu lực thi hành, sửa đổi một số điều của Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020.

Bộ Tài chính nêu khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay - 1

Bộ Tài chính chỉ ra những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay (Ảnh: Mạnh Quân).

Khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay

Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ Tài chính đã có đánh giá về diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước trước và sau thời điểm ban hành Nghị định số 65/2022.

"Từ sau vụ việc , khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm và khối lượng mua lại tăng. Từ sau khi Nghị định số 65 được ban hành và có hiệu lực thi hành (ngày 16/9/2022) đến 25/12/2022, các doanh nghiệp đã phát hành được 8.292,3 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành của doanh nghiệp xây dựng chiếm 13,08%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 13,63%, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ chiếm 16,34%, tổ chức tín dụng chiếm 10,52%, còn lại là các lĩnh vực khác", Bộ Tài chính thông tin.

Từ tháng 9/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ khi lãi suất tăng mạnh, tỷ giá VND so với USD tăng mạnh. Đặc biệt từ ngày 6/10/2022, sau vụ việc và Ngân hàng SCB, diễn biến trên thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu tiếp tục khó khăn.

Bộ Tài chính đánh giá, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay gồm 3 nhóm vấn đề: Khối lượng phát hành trái phiếu mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, doanh nghiệp có khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do sai phạm của một số doanh nghiệp khi bị cơ quan điều tra phát hiện và một số tin không chính thống, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Thanh khoản của cả nền kinh tế gặp khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền. Lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong thời gian ngắn dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh ngân hàng, nhà đầu tư bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với lãi suất cao", Bộ Tài chính lý giải.

Về vấn đề pháp lý, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, rà soát Luật Chứng khoán và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các nội dung về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Các doanh nghiệp phát hành, thành viên thị trường và các chuyên gia đánh giá định hướng của Nghị định 65 là tốt trong trung, dài hạn. Tuy nhiên do nền kinh tế gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền cho sản xuất kinh doanh, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2022-2023 nên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá, đề xuất điều chỉnh lộ trình áp dụng quy định tại Nghị định số 65 trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 29/12/2022, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp lần 2 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tại buổi họp, các đơn vị tham dự thống nhất sự cần thiết trình Chính phủ ban hành nghị định theo quy trình rút gọn để sớm có hiệu lực thi hành.

Bộ Tài chính nêu khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay - 2

Từ sau vụ việc Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm và khối lượng mua lại tăng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Chưa thống nhất được phương án

Đối với quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ theo 2 phương án để thành viên Chính phủ biểu quyết, có ý kiến.

Phương án 1: Ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Từ ngày 1/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này.

Ưu điểm của phương án này là thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cá nhân rất thận trọng sau các vụ việc vi phạm vừa qua nên số lượng nhà đầu tư có nhu cầu thực tế là không nhiều.

Nhược điểm của phương án này là có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư thiếu hiểu biết tiếp tục mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, dẫn đến khó thanh lọc, nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp để giải quyết những rủi ro thời gian trước đây.

Phương án 2: Tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, có 41% ý kiến đồng ý theo phương án 1; 35% ý kiến phản đối phương án ngưng thực hiện quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và đề nghị tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 65 (phương án 2); 24% không thể hiện quan điểm.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các đơn vị, Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án nêu trên.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 34 Nghị định số 153 như sau: Thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, việc chuyển khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác (nếu có) thì phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan; phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận.

Trường hợp người sở hữu trái phiếu không chấp thuận việc chuyển đổi thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 153/2020. Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của khoản vay, tài sản được chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đối với khoản vay và tài sản chuyển đổi đó…

Bài liên quan
  • Trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư mắc kẹt
    TP - Liên tiếp các công ty chứng khoán thông báo tạm hoãn mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Điều này khiến nhà đầu tư “mắc kẹt” khi nhận ra hợp đồng mua TPDN mà họ đã ký thông qua tư vấn của ngân hàng, công ty chứng khoán không hề có thông tin về bảo lãnh thanh toán và khác xa với tư vấn ban đầu.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính nêu khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO