Thành phần của nước dừa có 94% nước và ít năng lượng, chỉ khoảng 19 calo/100g), không chứa chất béo; giàu các vitamin như B3, B5; một lượng nhỏ vitamin B1 và B6, vitamin C; chất khoáng như natri, kali… Do đó, nước dừa được nhiều người sử dụng đều đặn.
Sau khi luyện tập, nhất là các bài tập kéo dài, uống nước dừa tốt hơn uống nước lọc vì đồ uống này chứa hàm lượng lớn chất điện giải giúp bù nước và các chất điện giải bị mất đi trong khi tập.
Nước dừa có tác dụng cải thiện huyết áp tâm thu vì hàm lượng kali có trong nước dừa góp phần giúp hạ huyết áp ở người có huyết áp trung bình và cao. Người bị sốt cũng có thể uống nước dừa để bù nước và điện giải đã mất đi do sốt, nôn ói, tiêu chảy hoặc đổ nhiều mồ hôi gây mất nước.
Tuy nhiên, những người bị huyết áp thấp, vừa phẫu thật xong hoặc đang bệnh lý như bệnh thận, kali máu cao…, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng nước dừa.
Để tận dụng lợi ích của nước dừa, có thể bổ sung nước dừa vào các món như sinh tố, nước sốt dấm hoặc khi muốn có vị ngọt tự nhiên trong các món ăn.
Lưu ý, nước dừa non tốt hơn nước dừa già vì nước dừa non ít đường, không gây ảnh hưởng nhiều tới đường huyết và không gây thừa cân. Với người trưởng thành, chỉ nên coi nước dừa là một loại nước giải khát, không nên uống quá 1-2 trái dừa/ngày.Khác với nước dừa lấy ra từ trái dừa, nước cốt dừa được làm bằng cách thêm nước vào thịt dừa xay nhuyễn. Nó chứa khoảng 50% nước và rất giàu chất béo.