Mẫu xe thương mại "kiêm nhiệm" dịch vụ đưa đón học sinh
Dịch vụ xe đưa đón học sinh theo tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và đa phần, những chiếc xe làm nhiệm vụ này chủ yếu là xe thương mại "kiêm nhiệm". Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, hiện nay, mẫu xe phổ biến nhất được các trường học và đơn vị dịch vụ vận tải hành khách sử dụng chở học sinh là mẫu xe 16 chỗ như Hyundai Solati, Ford Transit với giá trên dưới 1 tỷ đồng; xe 29 chỗ như Hyundai County (giá từ 925 triệu đồng), Isuzu Samco (giá từ 1,5 tỷ đồng); xe 45 chỗ như Hyundai Aero Space (giá từ 3 tỷ đồng), Thaco Bluesky 120S (giá từ 2,4 tỷ đồng),…
Tìm hiểu về thông số kỹ thuật và các tính năng trang bị, có thể thấy, những mẫu xe này thiên về tính năng chở nhiều người, động cơ khỏe hoặc tăng tiện nghi cho người dùng. Trong khi đó, tính năng an toàn hỗ trợ bảo vệ người trên xe hay những công nghệ hiện đại cảnh báo các nguy cơ rủi ro an toàn gần như không có gì.
Điển hình như hai mẫu xe 16 chỗ phổ biến tại Việt Nam là Ford Transit và Hyundai Solati, về tiện nghi chỉ có điều hòa 2 dàn lạnh, giải trí đài Radio, cổng USB/AUX, cổng sạc 12V cho các thiết bị điện tử. Các trang bị an toàn chỉ ở mức cơ bản như phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử, túi khí cho hàng ghế đầu, dây đai cho các hàng ghế,…
Với mẫu xe 45 chỗ đắt tiền như Hyundai Aero Space, trang bị trên xe tiện nghi hơn như có tủ nóng-lạnh, ti vi, máy lạnh, đèn trần, đèn đọc sách... Các tính năng hỗ trợ đảm bảo an toàn cho hành khách cũng chỉ ở mức "nguyên sơ" như xe 16 chỗ trên.
Ngoài ra, nhà xe có thể lắp thêm các phụ kiện như camera hành trình, camera an ninh. Khi phát sinh sự cố có người mắc kẹt trong ô tô, trang bị hỗ trợ trên xe chỉ đơn giản có búa phá kính để thoát hiểm.
Những trang bị công nghệ cảnh báo bỏ quên trẻ em trên ô tô gần đây được các hãng xe giới thiệu như sử dụng cảm biến nhiệt, sóng radar, camera phát hiện chuyển động, nút bấm kiểm tra chống bỏ quên người, cửa kính dễ mở từ bên trong,… hoàn toàn không có trên các mẫu xe thường dùng chở học sinh.
Anh T.V.A (42 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) là một tài xế chạy xe đưa đón học sinh của một trường tư trên địa bàn quận Cầu Giấy được 5 năm, cho biết: "Chiếc xe của tôi là loại 16 chỗ chạy dịch vụ kiêm nhiệm. Trên xe không có trang bị còi, loa hay thiết bị quan sát học sinh nào cả."
Bản thân anh A cũng chia sẻ khi tuyển lái xe cho trường học công ty cũng không yêu cầu gì thêm ngoài bằng lái xe và hồ sơ ghi rõ kinh nghiệm cầm lái, nhiệm vụ kiểm đếm học sinh hay gọi giục học sinh ra xe đều do người quản sinh của phía nhà trường thực hiện.
Thầy P.Q.S, hiệu trưởng một trường tư thục ở Hà Nội nói với phóng viên VietNamNet, nhà trường ký hợp đồng dịch vụ đưa đón học sinh với công ty bên ngoài, mỗi em học sinh sẽ đóng thêm từ 8-18 triệu đồng tùy theo tuyến xe chạy hoặc đón 1 chiều. "Nhà trường thường chỉ yêu cầu đơn vị chủ xe cam kết chạy xe còn mới, đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và mua bảo hiểm đầy đủ. Về các thiết bị công nghệ hiện đại như cảnh báo bỏ quên học sinh trên xe thì chúng tôi cũng chưa đề cập đến và nắm rõ các xe này có hay không?"
"Sau các sự cố trẻ em bị bỏ quên trên xe vừa qua, chúng tôi chỉ biết siết quy trình giữa nhân viên đón học sinh và cô giáo chủ nhiệm để không có sai sót", thầy S chia sẻ thêm.
Hiện nay, trên thị trường, phần lớn các mẫu xe gia đình tiền tỷ đều có sẵn tính năng cảnh báo bỏ quên trẻ em ngồi trên xe, có thể kể tên như Hyundai Custin, Hyundai Palisade, Hyundai Santa Fe, KIA Sorento, Volvo XC90, BMW X7, Mercedes-Benz S-Class,…
Không khó bổ sung công nghệ cảnh báo bỏ quên trẻ em trên ô tô
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ - ô tô, phân loại theo mục đích sử dụng”, trong đó, đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật riêng đối với xe chở học sinh. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cho trẻ em vẫn còn ở mức sơ sài như đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển; thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách...
Tại Mỹ, các loại xe trường học (School Bus) đều phải đảm bảo những quy chuẩn an toàn cụ thể, trong đó, chú trọng phòng tránh nguy cơ trẻ em bị kẹt trong xe như có cửa thoát hiểm trên nóc xe, camera trong xe, nút bấm kiểm tra chống bỏ sót học sinh,… Từ năm 2019, có tới 21 nhà sản xuất ô tô (Ford, Honda, Toyota, Mercedes-Benz, Hyundai, KIA, Mazda,…) đã ký cam kết đưa trang bị chống bỏ quên người ở hàng ghế sau vào ngay từ phiên bản tiêu chuẩn của xe, bắt đầu từ 2024 và muộn nhất là 2025.
Công nghệ cảnh báo bỏ quên trẻ em trên xe phổ biến nhất hiện nay là dùng “mắt thần” camera cảm biến nhiệt độ, hoặc sóng siêu âm quét chuyển động. Ngay khi đỗ xe, tắt máy, màn hình trước mặt tài xế sẽ hiển thị thông tin nhắc nhở kiểm tra khu vực hàng ghế sau để đảm bảo trẻ em hoặc thú cưng không vô tình bị bỏ quên. Trong trường hợp tài xế ra khỏi và khóa xe mà còn người bên trong, chiếc xe sẽ cảnh báo bằng còi báo động hoặc có tin nhắn tới điện thoại tài xế.
Tại Việt Nam, hiện chưa có đơn vị nào nhập khẩu hay phân phối loại xe "School Bus" chuyên dùng chở học sinh giống như ở Mỹ hay một số nước khác.
Một số hãng lắp ráp ô tô cho hay, việc bổ sung thêm trang bị như trên cho ô tô chở học sinh không khó, nhưng để đưa các tính năng này lên xe sản xuất hàng loạt, Nhà nước cần có quy định rõ ràng bắt buộc. Theo đó, các hãng xe sẽ thực hiện triển khai.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar), việc lắp thêm các thiết bị cảnh báo bằng đèn, còi, thậm chí hiện đại như radar dò quét lên xe thương mại nên sớm thực hiện. "Chi phí lắp thêm không quá đắt nếu so với sự hữu ích cứu tính mạng con người. Ở nước ngoài xe chở học sinh được quy định thành loại chuyên dụng, được quản lý bằng luật. Nếu Việt Nam cũng áp dụng như luật bắt buộc thì tự khắc chủ xe, doanh nghiệp vận tải thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh sẽ phải tuân thủ lắp đặt thêm", anh Hải nhận định.