Những con đường tơ lụa
Những con đường tơ lụa và những trang sử phi thường tạo nên thế giới là cuốn sách thiếu nhi được viết dựa trên cuốn best-seller (bán chạy nhất) Những con đường tơ lụa của Giáo sư lịch sử hàng đầu thế giới Peter Frankopan.
Sách được in màu toàn bộ trên giấy offset, trình bày trên khổ lớn (24x30cm) với nhiều hình vẽ ấn tượng bởi họa sĩ minh họa nổi tiếng Neil Packer.
Tác phẩm viết về những con đường phát triển hay mạng lưới kết nối xuyên suốt lịch sử nhân loại nhằm giải thích những sự kiện xảy ra trong quá khứ, có liên hệ với nhau ra sao.
Sách gồm 16 chương tương ứng 16 con đường phát triển từ thời cổ đại tới ngày nay của lịch sử nhân loại, được đặt tên theo chủ đề nổi bật trong giai đoạn đó, ví dụ: Con đường dẫn đến trí tuệ, Con đường dẫn đến thiên đàng, Con đường dẫn đến đau khổ, Con đường dẫn đến tỉnh ngộ, Những con đường tơ lụa mới...
Peter Frankopan, 53 tuổi, sống tại Oxford, London. Ông là giáo sư lịch sử thế giới tại Đại học Oxford và nghiên cứu viên cao cấp tại trường Worcester, Đại học Oxford.
Ông nổi tiếng với hiện tượng xuất bản Những con đường tơ lụa, được trao nhiều giải thưởng danh giá và dịch ra hơn 16 ngôn ngữ.
Câu chuyện nhân loại: Một lược sử sống động về loài người
Câu chuyện nhân loại là tác phẩm kinh điển về lịch sử dành cho trẻ em, xuất bản năm 1921, được viết và minh họa bởi Hendrik Willem van Loon.
Đây là cuốn sách đầu tiên được trao Huân chương Newbery (giải thưởng văn học do Hiệp hội Dịch vụ Thư viện cho Trẻ em - Hoa Kỳ) vì đóng góp xuất sắc cho văn học thiếu nhi.
Thay vì tập trung vào các sự kiện hoặc con người, van Loon đã kể - như ông nói - "một câu chuyện phi nước đại hơn là đi bộ".
Tác giả thường kể câu chuyện của mình với tốc độ chóng mặt mà không đơn giản hóa quá mức. Ông thực hiện điều này bằng cách tập trung vào những ý tưởng lớn và cắt bỏ bất kỳ chi tiết nào không trực tiếp giúp truyền đạt ý tưởng mà ông đang hướng tới.
Cuốn sách này do chính tác giả vẽ minh họa 77 bức tranh, vì ông muốn các bức tranh tự vẽ minh họa cho các ý tưởng hơn là các bức ảnh cho các sự kiện.
Một phần vì các thí nghiệm trong nhiều năm tại trường Thiếu nhi New York đã thuyết phục tác giả rằng: rất ít trẻ em sẽ quên những gì chúng đã vẽ, trong khi không nhiều trẻ em sẽ nhớ những gì chúng chỉ đọc.
Van Loon đưa ra lời khuyên "hãy để con cái bạn vẽ nên lịch sử theo mong muốn của chúng thật thường xuyên khi bạn có dịp và chúng có thể vẽ rất tốt".
Tác giả cũng thường xuyên nhắc nhở người đọc cần suy nghĩ cẩn thận về lịch sử, rằng nó phức tạp, nên trong cuốn sách này có thể không cho bạn biết chi tiết về lịch sử, nhưng lại khiến bạn biết phải làm gì với lịch sử.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương, người viết lời giới thiệu cho cuốn sách, nhận xét bên cạnh cách kể chuyện thông minh, văn phong trong sáng, hấp dẫn, cuốn sách còn được minh họa bằng hệ thống tranh vẽ thú vị do chính tác giả thực hiện.
"Phải rồi, "một cuốn sách ích gì khi không có tranh", chúng ta chắc hẳn sẽ vừa đọc sách, xem tranh, và thầm đồng ý với tác giả như thế", anh viết.
Hendrik Willem van Loon (1882-1944), là nhà sử học, nhà báo và tác giả người Mỹ gốc Hà Lan.
Từ những năm 1910 cho đến khi qua đời, van Loon đã viết rất nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Ông được độc giả ca ngợi và yêu mến bởi những cuốn sách tự vẽ tranh minh họa. Nổi bật nhất trong đó là Câu chuyện nhân loại - cuốn sách lịch sử thế giới đặc biệt dành cho trẻ em.