Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 54, đầu tháng 8/2021, vấn đề Biển Đông và đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc là một điểm nhấn. Trước đó, tháng 6/2021, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 nhất trí thúc đẩy đàm phán về COC.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc ngày 3/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhấn nhiều nên nổi
Trong cuộc họp trực tuyến với các đồng nghiệp ASEAN ngày 3/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định ASEAN chiếm vị trí quan trọng trong toàn cục ngoại giao của Trung Quốc, hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng. Ông nhấn mạnh “Bắc Kinh không có yêu sách mới ở Biển Đông” và “Biển Đông nhìn chung ổn định” nhờ nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN.
Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố đầy lạc quan: nhất trí đẩy nhanh tham vấn về COC và đã thống nhất được lời nói đầu. Theo phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị thì Bắc Kinh ủng hộ lập trường của ASEAN duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Biển Đông và COC giành được sự quan tâm đáng kể trong các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương giữa ASEAN với các nước khác; là chủ đề nóng trong nhiều hội thảo khoa học quốc tế về an ninh, trật tự trên biển.
COC là điểm nhấn và như đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quan điểm xây dựng COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Nhấn nhiều, ủng hộ nhiều nên COC vẫn không bị chìm xuồng.
Sóng, gió và đá ngầm
Nổi là một chuyện, còn có “xuôi chèo, mát mái” về đích hay không, lại là chuyện khác. Đại dịch Covid-19 vô tình trì hoãn việc đàm phán COC. Sóng, gió ngược và đá ngầm vẫn đâu đó trên hành trình của “con thuyền COC”.
Thứ nhất, sau nhiều năm đàm phán, hai bên vẫn chưa chạm tới cái “lõi rắn” của COC. Trước hết là phạm vi địa lý áp dụng COC. Nếu thỏa hiệp, chấp nhận tuyên bố chủ quyền dựa trên yêu sách lịch sử, không phù hợp với UNCLOS 1982 và bị Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague bác bỏ (năm 2016), thì phạm vi địa lý áp dụng của COC dường như chỉ là danh nghĩa.
Điều cốt yếu là các bên phải coi COC là một văn bản ràng buộc về pháp lý. Nếu không có các cơ chế, quy định cụ thể, rõ ràng để giám sát, bảo đảm tuân thủ pháp luật (ví dụ quy định các hành vi không được phép) và giải quyết các vụ vi phạm…, thì COC vẫn là “luật mềm”, “cơ chế khung”, “cơ chế ống”, thể hiện ý chí chính trị, mang tính kêu gọi “thiện chí”.
Nội dung “đinh” của COC chính là cơ chế (công cụ) giải quyết tranh chấp. Các bên có chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc không? Có chấp nhận giải quyết tranh chấp ở các Tòa quốc tế không? Ngoài ra, COC cũng cần đề cập vai trò của bên thứ ba.
Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những vấn đề “cứng” nói trên. Chẳng hạn phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016. Càng cụ thể thì đàm phán càng gay go. Nhưng chỉ có định lượng cụ thể, ràng buộc pháp lý, thì COC mới thực sự hiệu quả.
Thứ hai, Bắc Kinh đang có nhiều lợi thế. Sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học công nghệ, cùng với hệ thống các đá được cải tạo, mở rộng (được ví như những “chiến hạm không thể đánh chìm”), tạo cho Trung Quốc ưu thế vượt trội so với các nước ASEAN.
Trung Quốc cũng lợi thế hơn Mỹ và các nước lớn ngoài khu vực. Ngoại trưởng Vương Nghị quy trách nhiệm: “các quốc gia bên ngoài khu vực đã trở thành những nhân tố phá vỡ hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Theo tờ South China Morning Post (Hong Kong), Bắc Kinh ám chỉ Mỹ và phương Tây. Ngăn cản sự tham gia của Mỹ và phương Tây là một toan tính.
Nhiều học giả quốc tế cho rằng, COC với những ràng buộc nêu trong điểm thứ nhất, không phải là thứ Bắc Kinh cần. Tiến trình đàm phán COC kéo dài, Trung Quốc cũng chẳng mất gì.
Thứ ba, ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức lớn từ làn sóng Covid-19 mới, vấn đề phục hồi kinh tế, khủng hoảng ở Myanmar và sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Quan chức ASEAN sẽ phải đắn đo giữa những cam kết từ Bắc Kinh và các vấn đề gay cấn trong đàm phán COC. Một số nước ASEAN bị tác động, chi phối từ các dự án đầu tư kinh tế, thương mại của “vành đai, con đường”… Có nhà lãnh đạo ASEAN đã biện minh, không dựa vào Trung Quốc (trong một vấn đề cụ thể) thì dựa vào ai!
Bắc Kinh thừa hiểu, nên phản đối việc các nước ASEAN họp, trao đổi, thống nhất trước khi thảo luận với Trung Quốc. Nguyên tắc đồng thuận, trong trường hợp này có thể là con dao 2 lưỡi.
Phát huy vai trò trung tâm giải quyết tranh chấp Biển Đông là một chỉ dấu quan trọng về vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN. |
Con thuyền đi về đâu
Càng khó khăn, thách thức, ASEAN càng nhận thức rõ hơn vai trò, vị thế của mình và sự ủng hộ quốc tế. Quan điểm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông và giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 của ASEAN được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi.
Trong 5 năm qua, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, có lúc động, lúc trầm, nhưng ngày càng được quốc tế ủng hộ. Tuân thủ luật pháp quốc tế vẫn là đòi hỏi, là xu thế chung.
Vậy là, có cả sóng, gió thuận và ngược chiều. “Con thuyền COC” đứng trước nhiều ngã rẽ.
Một là, hai bên có những nhượng bộ nhất định. Tiến trình đàm phán dù phải kéo dài, nhưng thuyền cũng về đúng đích. Đây được đánh giá là kịch bản “lạc quan thận trọng”. Nói thận trọng là bởi nó khó, cần hội tụ nhiều nhân tố. Sự nỗ lực, vượt qua chính mình của Trung Quốc, của ASEAN và từng quốc gia thành viên; sự ủng hộ quốc tế bằng dư luận và các hành động thiết thực, hiệu quả.
Hai là, COC được ký kết, nhưng các vấn đề pháp lý cơ bản chưa được giải quyết thỏa đáng, tạm gác lại. Bộ quy tắc thiếu cơ chế, công cụ kiểm soát, quy định cụ thể, ràng buộc pháp lý. Theo các học giả quốc tế, đây có lẽ là kịch bản Bắc Kinh muốn. Một số nước ASEAN và quốc tế muốn cao hơn, nhưng “lực bất tòng tâm”.
Ba là, hai bên không thỏa hiệp được những vấn đề pháp lý cơ bản, COC nhùng nhằng, kéo dài, chưa tìm thấy lối ra. Một số nước đổ lỗi cho nước khác. Đây là kịch bản xấu đối với ASEAN và cộng đồng quốc tế, vẫn có khả năng xảy ra.
Góc nhìn khác nhau
Một số lãnh đạo, quan chức cho rằng không thể cầu toàn, “có vẫn hơn không”. Số này là ai, hẳn không khó thấy. Họ cho rằng thỏa hiệp sẽ có lợi, hoặc lợi ích riêng không gắn nhiều với Biển Đông và COC. Một số nước ở trạng thái “đứng giữa”, không thể hiện quan điểm rõ ràng hoặc “lựa theo chiều gió”.
Đa số các nước ASEAN và trên thế giới cho rằng cần một COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Kiên trì, giữ vững lập trường nguyên tắc để có một COC tốt, còn hơn nóng vội, thỏa hiệp một COC tồi. Việt Nam cùng với một số nước ASEAN phấn đấu theo hướng này.
Chạy theo lợi ích riêng, quan điểm giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung khác nhau, tất yếu dẫn đến góc nhìn khác nhau. Thỏa hiệp vì lợi ích riêng có thể mang lại kết quả nhất định. Nhưng vị thế ASEAN bị suy giảm do thiếu đồng tâm, thì giá trị của quốc gia thành viên cũng giảm theo. Mang lợi ích chung ra đánh đổi, quốc gia cũng có thể trở thành “món hàng” để nước lớn trao đổi.
Biển Đông, COC không phải là chuyện riêng giữa ASEAN, một số nước có tranh chấp và Trung Quốc. Duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, trật tự trên Biển Đông là lợi ích chung, trách nhiệm của các quốc gia. Phát huy vai trò trung tâm giải quyết tranh chấp Biển Đông là một chỉ dấu quan trọng về vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN. Chất lượng COC thể hiện bản lĩnh của ASEAN.
Các quốc gia ASEAN cần đoàn kết, thống nhất, kiên trì giữ vững lập trường chung, vì lợi ích chung. Phát huy cao nhất nội lực, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, là phương châm để con tàu ASEAN vững lái, vươn ra đại dương.