Bộ quy tắc COC tại Biển Đông hiệu quả, hiệu lực: Hành trình không dễ dàng nhưng quyết tâm sớm ‘về đích’

Phương Hà| 31/10/2023 19:34

Có thể khẳng định, mặc dù còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn song thời gian qua, tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc ghi nhận nhiều tiến bộ với những nỗ lực và hành động thiện chí từ cả hai bên.

Sáng ngày 6/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo các nước dự các Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26. (Ảnh: Anh Sơn)
ASEAN và Trung Quốc nỗ lực đàm phán COC tại Biển Đông. Trong ảnh, Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 tháng 9/2023 tại Indonesia. (Ảnh: Anh Sơn)

Hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với UNCLOS

Cả ASEAN và Trung Quốc đều mong muốn sớm hiện thực hóa COC có hiệu lực thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), từ đó đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Gần đây nhất, Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 21 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 26/10. Tại Hội nghị này, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất khởi động vòng đọc thứ ba COC.

Trong một công bố mới đây, Bộ Ngoại giao Indonesia nhấn mạnh sự ủng hộ đối với các biện pháp xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng, qua đó thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng trong khu vực, cũng như giúp bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Nổi bật trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 vừa qua, Indonesia đã nỗ lực hết mình trong việc thúc đẩy đàm phán COC trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Trong thời gian này, ASEAN và Trung Quốc hoàn tất vòng rà soát thứ 2 dự thảo văn kiện đàm phán COC. Những diễn biến tích cực này được kỳ vọng tạo động lực để đẩy nhanh quá trình đàm phán.

Đầu tháng 9/2023, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc nhất trí với sáng kiến của Indonesia nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC. Thông báo được công bố của Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết, sáng kiến của Indonesia nhấn mạnh hướng dẫn thúc đẩy đàm phán COC của Indonesia bao gồm những tài liệu thực tế, đảm bảo tính khả thi, thực chất và hiệu quả của COC.

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác chính trị và an ninh ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Rolliansyah Soemirat, đây là những hướng dẫn thúc đẩy đàm phán COC đầu tiên trong lịch sử, hướng tới nguyện vọng của ASEAN và Trung Quốc nhằm hoàn tất COC trong tối đa 3 năm. Hướng dẫn được đưa ra trên cơ sở các cuộc thảo luận chuyên sâu về các vấn đề còn tồn tại, cũng như các đề xuất khác về phương pháp làm việc để tiến trình đàm phán có thể diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Cần nỗ lực từ cả hai phía

Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 15 được tổ chức vừa qua, các học giả từ nhiều nước trên thế giới có chung quan điểm rằng vấn đề Biển Đông đã xuất hiện nhiều yếu tố, khía cạnh mới như đa phương hoá, quốc tế hoá; quân sự hoá các vùng biển và khu vực chiếm đóng; vấn đề luật pháp quốc tế trong quản lý tranh chấp… Biển Đông hiện nay được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang mở rộng.

Do đó, việc thúc đẩy các biện pháp quản lý tranh chấp như tiến trình xây dựng COC có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại một số nội dung gây tranh cãi trong đàm phán COC như: phạm vi áp dụng, hiệu lực pháp lý, cơ chế thực thi, vai trò của bên thứ ba... Vì vậy, để có được một COC đi vào thực tiễn là hành trình không dễ dàng và cần nỗ lực từ cả phía ASEAN và Trung Quốc.

Trong một chia sẻ gần đây, ông Aristyo Rizka Darmawan, chuyên gia luật quốc tế và an ninh hàng hải thuộc Đại học Indonesia cho rằng, dù COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không thì điều cốt yếu là phải xây dựng cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của bộ quy tắc. Thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ các bên tuân thủ. Nền tảng của đối thoại COC là sự tin tưởng lẫn nhau.

Nhìn nhận về những điều khó khăn nhất trong đàm phán COC, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales (Australia) cho hay, COC gặp những cản trở nhất định từ những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Cùng với đó, vẫn còn khác biệt về quan điểm của các bên liên quan tới những vấn đề như phạm vi địa lý, tình trạng pháp lý của quy tắc ứng xử, các biện pháp thực thi.

Trong một chia sẻ với báo chí, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cũng nhận định: “Chúng ta cần một COC đạt được các tiêu chí hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với UNCLOS thì có lẽ không nên đặt ra một thời hạn cụ thể. Chính việc duy trì được đối thoại, hiểu biết, thương lượng đàm phán đã là quan trọng”.

Về phần mình, Việt Nam khẳng định luôn kiên trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực chung trong bảo đảm duy trì luật pháp quốc tế và các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); sớm kết thúc đàm phán, ký kết COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Rõ ràng, những vấn đề mà DOC chưa điều chỉnh hiệu quả hoặc chưa xử lý rốt ráo thì COC sắp tới cần giải quyết. Vì vậy, những đàm phán COC chắc chắn khó khăn, phức tạp hơn. Có thể thấy, cả ASEAN và Trung Quốc đều đang thể hiện quyết tâm đàm phán để đưa COC “về đích”, hy vọng những cuộc đàm phán sẽ sớm đạt được kết quả cuối cùng.

Bài liên quan
  • Biển Đông: Để có được COC hiệu quả cần xem xét các vấn đề pháp lý
    Baoquocte.vn. Trong một bài viết gần đây trên East Asia Forum, Aristyo Rizka Darmawan, Giảng viên Luật Quốc tế tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững, Đại học Indonesia cho rằng, khi các cuộc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) đang tiến triển, điều quan trọng là các vấn đề pháp lý cơ bản phải được xem xét.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ quy tắc COC tại Biển Đông hiệu quả, hiệu lực: Hành trình không dễ dàng nhưng quyết tâm sớm ‘về đích’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO