Bộ Quốc phòng nêu loạt vấn đề gây "ách tắc" dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Châu Như Quỳnh| 25/07/2022 14:35

Theo Bộ Quốc phòng, cần thiết phải bổ sung diện tích đất vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng kỳ cuối (2016-2020), thực hiện sắp xếp, xử lý lại nhà, đất…

3 vướng mắc cần giải quyết

Bộ Quốc Phòng vừa trình Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc để bàn giao đất xây dựng Dự án Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất - TPHCM, trong đó Bộ Quốc phòng cho biết hiện chưa đủ cơ sở để bàn giao đất cho địa phương để thực hiện dự án.

Nguyên nhân do các khu đất (diện tích khoảng hơn 16ha để xây dựng nhà ga hành khách T3 và gần 12ha đất thực hiện dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa) chưa được cập nhật, bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) theo phương án chuyển giao đất quốc phòng cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Chính phủ cũng chưa phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại với 2 khu đất trên theo quy định.

Theo Bộ Quốc Phòng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, cần thiết phải bổ sung gần 28ha đất nêu trên vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng kỳ cuối (2016-2020); thực hiện sắp xếp, xử lý lại nhà, đất với phần diện tích đất này.

Bộ Quốc phòng nêu rõ 3 vướng mắc cần giải quyết là quy hoạch và thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất; kinh phí bảo đảm; tiến độ bàn giao.

Bộ Quốc phòng nêu loạt vấn đề gây ách tắc dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất - 1

Sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM (Ảnh: Tiến Tuấn).

Về kinh phí, Bộ Quốc phòng cho hay, theo báo cáo của Quân chủng Phòng không - không quân (PKKQ), việc di chuyển các đơn vị để bàn giao hơn 16ha đất xây dựng nhà ga hành khách T3 cần hơn 1.000 tỷ đồng; việc xây dựng hệ thống ụ bê tông xi măng tại sân bay Tân Sơn Nhất khoảng gần 100 tỷ đồng. Với khu đất gần 20ha đã bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xây dựng sân đỗ máy bay hàng không dân dụng, cơ quan này cho biết chưa nhận được kinh phí bồi thường, hỗ trợ.

Mặt khác, khi bàn giao đất để xây dựng nhà ga hành khách T3 sẽ ảnh hưởng tới các công trình chiến đấu của các đơn vị tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đó, Quân chủng PKKQ sẽ phải xây dựng mới các công trình trên cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Số tiền tạm tính khoảng hơn 700 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc di chuyển, sửa chữa các công trình để bàn giao gần 12ha đất quốc phòng, do UBND TPHCM chưa phối hợp kiểm điểm, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa xác định được số tiền bồi thường, hỗ trợ.

Về tiến độ bàn giao, Bộ Quốc phòng cho biết khu đất diện tích hơn 16ha sẽ tổ chức bàn giao làm 2 đợt. Khu đất diện tích 11,89 ha sẽ bàn giao sau khi UBND TPHCM thực hiện bồi thường, hỗ trợ kinh phí và các đơn vị quân đội hoàn thành dồn dịch, sửa chữa, xây dựng doanh trại, công trình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất, đảm bảo không ảnh hưởng đến nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.

Bộ Quốc Phòng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc giải quyết các vướng mắc bàn giao đất quốc phòng thực hiện dự án nhà ga hành khách T3 và dự án xây dựng đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Không đưa gần 28ha đất vào quy hoạch quốc phòng 2021-2030

Ngày 24/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản 217/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án xây dựng đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thường trực Chính phủ thống nhất trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án xây dựng đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo xử lý mọi công việc có liên quan xây dựng nhà ga hành khách T3, đường giao thông kết nối và 12 ụ bê tông xi măng trong phạm vi phải làm của đường lăn W11A.

Bộ Quốc phòng được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TPHCM phối hợp chặt chẽ hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Chính phủ trước ngày 25/7, đảm bảo nội dung, hồ sơ, trình tự, thủ tục tuân thủ theo đúng thẩm quyền của Chính phủ, đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Chính phủ.

"Thường trực Chính phủ đồng ý chủ trương giao Bộ Quốc phòng cập nhật, không đưa gần 28ha đất quốc phòng vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021-2030 để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án xây dựng đường giao thông kết nối với nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; UBND TPHCM cập nhật đưa diện tích nêu trên vào đất giao thông trong Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) TPHCM.

Bộ Quốc phòng bàn giao các khu đất nêu trên cho UBND TPHCM ngay sau khi Chính phủ có nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án xây dựng đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất" - văn bản nêu rõ.

Việc bồi thường tài sản trên đất theo quy định của pháp luật về đất đai, theo đó UBND TPHCM chịu trách nhiệm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ để thực hiện Dự án đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3, Tổng Công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) chịu trách nhiệm bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3.

Về 12 ụ bê tông xi măng trong phạm vi dải lăn của đường lăn W11A thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, ACV và các cơ quan liên quan chủ động thống nhất phương án giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ phá dỡ, bàn giao mặt bằng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Quốc phòng nêu loạt vấn đề gây "ách tắc" dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO