Anh Shyam Chaurasia sinh sống ở bang Uttar Pradesh có ý tưởng tuyệt vời là giúp phụ nữ Ấn Độ cảm thấy an tâm hơn mỗi khi ra đường. Theo đó, anh Shyam cho ra mắt bộ phụ kiện thời trang phòng thân thông minh gồm 3 món đồ là túi xách, dép sandal và khuyên tai.
Theo Newsflare, “đôi sandal chống cưỡng hiếp” và “súng túi thông minh” có thể bắn được đạn để dọa đối tượng có ý định tấn công hay cưỡng hiếp phải hoảng sợ mà bỏ chạy. Đây cũng là cách để thu hút sự chú ý của những người xung quanh để kịp thời hỗ trợ nạn nhân.
Nhìn bề ngoài “súng túi thông minh” mang hình dáng và chức năng hoàn toàn giống với mọi chiếc túi thời trang khác của phụ nữ. Nhưng điểm nhấn của chiếc túi này chính là nút ấn màu đỏ cỡ nhỏ gắn trên mặt túi. Khi người dùng ấn nút, một viên đạn sẽ được bắn ra từ ống nhỏ gắn trên thân túi. Trên thực tế, đây không phải là đạn thật mà chỉ là vỏ đạn. Nhưng nhờ âm thanh chói tai, nạn nhân có thể khiến kẻ có ý định tấn công hoảng sợ mà bỏ chạy, cũng như thu hút sự chú ý của những người gần đó tới giúp đỡ.
“Đôi sandal chống cưỡng hiếp” cũng được thiết kế có cơ chế hoạt động tương tự như "súng túi thông minh". Tuy nhiên, nó còn được kết nối qua Bluetooth với người thân của người đi giày.
Còn những chiếc khuyên tai được gắn thiết bị theo dõi GPS và có nút ấn thực hiện cuộc gọi khẩn cấp. Khi cần thiết, người dùng có thể liên lạc tự động với cảnh sát, hoặc người thân trong gia đình thông qua 3 món phụ kiện trên.
Anh Chaurasia bày tỏ hy vọng bộ phụ kiện do mình chế tạo có thể bảo vệ phụ nữ tại Ấn Độ, nơi phụ nữ và bé gái thường xuyên là nạn nhân của vấn nạn bạo hành và tấn công tình dục.
Giá bán bộ phụ kiện an toàn này là 31,35 USD. Nhưng theo anh Chaurasia, các thiết bị vẫn chưa được bán trên thị trường. Hiện anh này được trung tâm cải tiến của trường Đại học Abdul Kalam hỗ trợ giúp để đưa các sản phẩm bán ra thị trường. Khách hàng chỉ cần sạc các thiết bị trong vòng 2 tiếng đồng hồ là có thể sử dụng cả tuần.
Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, hơn 28.000 phụ nữ bị cưỡng hiếp được báo cáo vào năm 2020. Nói cách khác, cứ 18 phút, Ấn Độ lại xảy ra 1 vụ hiếp dâm. Nhưng theo các chuyên gia, con số thực tế còn cao hơn nhiều vì các nạn nhân lo sợ và không dám tố cáo.
Số vụ cưỡng hiếp ở Ấn Độ vẫn không ngừng gia tăng trong những năm sau vụ cưỡng hiếp tập thể và giết hại dã man một nữ sinh ở thủ đô New Delhi vào năm 2012. Các chuyên gia nhận định, vụ án xảy ra vào năm 2012 đã khiến dư luận Ấn Độ xóa bỏ mặc cảm xấu hổ khi nói tới các vụ án hiếp dâm.
Từ đây, Ấn Độ đã cho cải cách bộ luật và đưa ra những hình phạt nặng hơn đối với đối tượng phạm tội hiếp dâm. Theo đó, tòa án được yêu cầu nghiên cứu các vụ án hiếp dâm và nhanh chóng đưa ra xét xử. Ngoài ra, tội danh cưỡng hiếp được áp dụng với cả hình thức quan hệ bằng đường hậu môn và đường miệng.
Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động và luật sư, Ấn Độ vẫn cần tăng cường thêm nhiều biện pháp để bảo vệ phụ nữ. Bởi trên thực tế, các vụ tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ xảy ra thường xuyên ở Ấn Độ. Thậm chí, nhiều vụ án tấn công và cưỡng hiếp kinh hoàng cũng không được xử lý thỏa đáng do hạn chế của hệ thống luật pháp Ấn Độ.
Minh Thu (lược dịch)