Bộ Nội vụ trả lời cử tri Thanh Hóa về 'cân nhắc giảm 10% biên chế'

Thế Kha| 11/03/2024 19:47

Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị "cân nhắc việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục". Bộ Nội vụ vừa trả lời việc này.

Ngày 11/3, Bộ Nội vụ cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, đề nghị xem xét bảo đảm lực lượng lao động trong ngành giáo dục theo định mức quy định.

Cử tri địa phương này đề nghị cân nhắc việc giảm 10% biên chế, không nên thực hiện cứng nhắc đối với ngành giáo dục; đồng thời thống nhất phân bổ tỷ lệ tinh giảm biên chế viên chức giai đoạn 2022-2026 theo hướng chia theo từng khu vực, miền và không cào bằng.

Bộ Nội vụ trả lời cử tri Thanh Hóa về cân nhắc giảm 10% biên chế - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Thanh Tuấn).

Trả lời cử tri, Bộ Nội vụ khẳng định tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực hiện.

Cụ thể, phải bảo đảm giai đoạn 2022-2026 giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không giảm số lượng người làm việc) so với năm 2021 (không bao gồm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp) theo Kết luận số 28/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

Bộ Chính trị cũng đã phê duyệt biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với từng địa phương đến năm 2026, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.

Đối với biên chế giáo viên, Bộ Nội vụ cho biết, để bảo đảm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế và bảo đảm nguyên tắc "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", Bộ Chính trị đã bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022-2026. Trong đó, năm học 2022-2023 bổ sung 27.850 biên chế giáo viên, năm học 2023-2024 bổ sung 27.826 biên chế giáo viên.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, theo Bộ Nội vụ, năm học 2022-2023 được bổ sung 1.681 biên chế giáo viên, năm học 2023-2024 được bổ sung 2.654 biên chế giáo viên.

Bộ Nội vụ trả lời cử tri Thanh Hóa về cân nhắc giảm 10% biên chế - 2

Một lớp học ở tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Duy Tuyên).

"Trường hợp số biên chế giáo viên sau khi được bổ sung vẫn còn thiếu so với định mức, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành để xác định số giáo viên sẽ thực hiện hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định", Bộ Nội vụ cho hay.

Để vừa thực hiện mục tiêu giảm 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 19/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thay đổi phương thức cấp phát ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô học sinh phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền.

Trên cơ sở đó, Thanh Hóa đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tạo điều kiện cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính.

Theo Bộ này, việc đó phải thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết số 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bảo đảm đủ số lượng giáo viên đứng lớp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiều giáo viên băn khoăn về phụ cấp thâm niên nhà giáo

Cử tri tỉnh Phú Thọ phản ánh, theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ 1/7 tới cải cách tiền lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30% gồm các khoản phụ cấp.

"Nhiều giáo viên băn khoăn khi đó sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo, đặc biệt đối với các giáo viên đã công tác lâu năm", cử tri Phú Thọ phản ánh và mong muốn Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Trong văn bản vừa gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Bộ Nội vụ dẫn chiếu khoản 3 mục III Nghị quyết 27 nêu rõ "thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".

"Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên như ý kiến của cử tri nêu), trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7", Bộ Nội vụ thông tin.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Nội vụ trả lời cử tri Thanh Hóa về 'cân nhắc giảm 10% biên chế'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO