Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu mô hình thị trưởng, tòa thị chính

Nguyễn Khánh| 30/11/2022 16:26

Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình "Tòa thị chính", "Thị trưởng" ở đô thị cho phù hợp với đặc thù ở Việt Nam.

Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết số 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra sáng 30/11.

Tham luận tại hội nghị, đại diện Bộ Nội vụ đã đề xuất một số giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị.

Các đại biểu tham dự hội nghị đô thị toàn quốc sáng 30/11 (Ảnh: VGP).

Cụ thể, theo số liệu của Bộ Nội vụ, đến nay, đơn vị hành chính đô thị cả nước có 5 thành phố trực thuộc trung ương, 1 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM), 81 thành phố thuộc tỉnh, 50 thị xã, 46 quận, 1.737 phường và 614 thị trấn.

Tuy nhiên, ngoài 3 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM) tổ chức chính quyền đô thị, thì theo Bộ Nội vụ, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đô thị còn lại đều là cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND). Điều này có nghĩa là chưa có sự phân biệt khác nhau giữa nông thôn và đô thị.

Chưa kể, Bộ Nội vụ cho rằng, hiện phân quyền, phân cấp vẫn chủ yếu "từ trên xuống" theo cấp chính quyền. Mối quan hệ quản lý ngành và quản lý địa bàn lãnh thổ giữa bộ, ngành Trung ương và chính quyền đô thị vẫn còn chưa rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị.

"Nhiệm vụ, quyền hạn của quản lý đô thị còn chưa cụ thể và chưa rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, của mỗi cơ quan và mỗi cá nhân trong bộ máy chính quyền", Bộ Nội vụ nêu bất cập.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cho rằng cơ chế vận hành bộ máy hành chính đô thị còn bị "cắt khúc" theo từng cấp hành chính trong nội bộ đô thị. Cơ chế điều hành hành chính mang tính tập thể của ủy ban ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị; vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu (Chủ tịch UBND) chưa rõ ràng.

Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu mô hình thị trưởng, tòa thị chính - 2

Tháng 5/2022, Bộ Chính trị ra Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" (Ảnh: Tiến Tuấn).

Từ thực tế nêu trên, Bộ Nội vụ khẳng định việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị là cần thiết.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã đưa ra một số đề xuất, giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh tới việc đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị.

"Nghiên cứu mở rộng mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường (khu vực nội thành, nội thị) như đang thực hiện ở thành phố Đà Nẵng, TPHCM và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình "Tòa thị chính", "Thị trưởng" ở đô thị cho phù hợp với đặc thù ở nước ta", Bộ Nội vụ đề xuất.

Bộ này cũng cho rằng, cần chuyển đổi cách tiếp cận quản lý nhà nước ở đô thị sang quản trị chính quyền đô thị, hướng đến sự tham gia và mở rộng đối thoại ngày càng nhiều của người dân với các công việc của chính quyền đô thị; đồng thời là cơ sở để xây dựng chính quyền đô thị phản ứng nhanh nhạy, hoạt động tốt hơn nhưng với chi phí ít hơn và chịu trách nhiệm giải trình trước người dân.

Theo Bộ Nội vụ, cũng cần đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến từng cấp chính quyền địa phương theo hướng đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy chủ động, sáng tạo, hiệu quả...

Trong quá trình đó, Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh tới việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức ở đô thị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

"Hoàn thiện thể chế về tuyển chọn cán bộ, công chức ở đô thị theo hướng đề cao trách nhiệm của người sử dụng, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh; đồng thời ban hành chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc tại đô thị", Bộ Nội vụ nêu giải pháp.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu mô hình thị trưởng, tòa thị chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO