Không sai khi nói "muốn biết người phụ nữ có hạnh phúc hay không, cứ nhìn vào người đàn ông bênh cạnh cô ấy". Bởi mọi niềm vui mỗi buồn của mỗi người vợ hầu như đều bắt nguồn từ người chồng họ lấy mà ra. Nếu được yêu thương đủ đầy người vợ ấy sẽ luôn vui tươi, rạng rỡ. Ngược lại sống bên người chồng gia trưởng, vô tâm, họ sẽ héo hắt, buồn tủi cả đời.
Ví như anh chồng trong câu chuyện dưới đây quá bảo thủ, coi thường nhà ngoại đến nỗi người vợ phải bức xúc lên mạng xã hội than thở: "Chẳng là ngày trước, bố mẹ đẻ em không đồng ý chuyện tình cảm của em với chồng. Tại ngày ấy anh khá lông bông, 29 tuổi chưa có công ăn việc làm ổn định, nhà đi thuê, đâm ra ông bà không muốn gả con gái, sợ em khổ. Tuy nhiên, sau thấy anh nhiệt tình, em lại quyết tâm nên sau ông bà cũng vui vẻ đứng ra tổ chức cho hai đứa.
Khi đã về chung 1 nhà rồi, bố mẹ em quý con rể lắm. Nhà cửa chúng em không phải mua, sau cưới bên ngoại cho căn chung cư rộng 80m, nội thất đàng hoàng chỉ việc dọn tới ở.
Được bố mẹ vợ tạo điều kiện hết sức như thế mà anh vẫn ghim chuyện cũ trong lòng, không thích gần gũi nhà ngoại. Mang tiếng ở gần nhưng chẳng mấy khi qua thăm ông bà. Em mà nói, anh lại cau có bảo: 'Bố mẹ em ưng gì mà anh sang nhiều'.
Chỉ khi nào nhà có việc, bố mẹ vợ phải trực tiếp gọi điện mời, chồng em mới sang. Cũng chỉ ở một lúc cho có lệ rồi về, chứ anh không niềm nở vồn vã bao giờ.
Khổ nhất là thi thoảng thấy các con sang, mẹ em có đồ ăn ngon lại đùm dúm cho mang về, lần nào cũng xách lớn xách bé. Hàng xóm nhìn thấy đùa bảo: 'Đúng là con gái cái bòn nhỉ. Lấy chồng rồi mà vẫn phải nuôi'. Chồng em nghe thấy, anh tự ái tối sầm mặt. Trên đường về, anh cằn nhằn rằng lần sau cấm không được xin đồ ông bà ngoại để khỏi mang tiếng bòn bới nhà vợ. Người ngoài nhìn vào đánh giá anh không lo được cho vợ con.
Hôm vừa rồi bố mẹ em về quê chơi, mua được ít thực phẩm sạch liền gọi con gái đi làm về rẽ vào lấy. Ai ngờ vừa mang vào nhà, anh nhìn thấy hỏi ở đâu, em kể bố mẹ cho. Anh nói câu: 'Đã dặn bao lần rồi là đừng bao giờ lấy bất cứ đồ gì bên đó nữa. Em thích bôi nhọ mặt chồng tới bao giờ. Anh nói lần này là lần cuối đó. Đã trót lấy rồi thì em gửi trả tiền cho sòng phẳng, đỡ mang tiếng cái bòn. Miếng ăn miếng nhục, hám gì'.
Thật sự nghe chồng nói, em ức chế không chịu nổi. Mọi khi em còn có bơ đi, chứ hôm ấy em đáp luôn: 'Bố mẹ thương, lo cho con cái nên có gì ngon cũng dành dụm cho. Nếu anh sợ mang tiếng, thích sòng phẳng thì tự anh mang tiền gửi họ đi. Nhớ tính luôn giá cái nhà này, tính giá vợ anh nữa. Họ vất vả mang nặng đẻ đau nuôi em hai mươi mấy năm ăn học, còn chưa báo hiểu được gì họ đã gả cho anh. Anh tính xem giá của em bao nhiêu thì gửi trả.
Bao nhiêu năm nay, ông bà lo chăm lo cho vợ chồng mình như thế. Anh không cảm kích thì thôi lại còn nói ra được những điều thiếu suy nghĩ ấy. Anh có bao giờ đặt mình vào vị trí của bố mẹ để suy nghĩ chưa. Họ sẽ thế nào khi nghe được những lời anh nói?
Sao anh không nghĩ, bố mẹ chăm lo cho thế thì mình phải hết lòng hiếu thảo để báo đáp lại tình cảm của ông bà chứ không phải là mang tiền ra thanh toán cho sòng phẳng'.
Khi đó chồng em mới thôi không cằn nhằn. Lúc sau thấy em đứng nấu cơm, anh lại gần ôm vợ nhận sai, hứa sửa đổi. Đấy là lần đầu chồng em biết nhận lỗi đó các chị ạ. Chẳng biết tin được không, nhưng em vẫn mừng vì xem như có sự thay đổi".
Cuộc sống hôn nhân được tạo lên từ rất nhiều mối quan hệ ràng buộc, trong đó quan trọng nhất là nội ngoại phải hài hòa, vui vẻ. Để làm được như vậy, cả hai vợ chồng đều phải nỗ lực chung tay vun đắp, chăm lo cho mối quan hệ ấy chứ không chỉ 1 mình vợ gắng sức dựng xây, còn chồng như người đứng ngoài cuộc.
Đặc biệt, với gia đình nhà ngoại, người chồng càng tâm lý, biết quan tâm tới bố mẹ vợ bao nhiêu càng khiến vợ nể phục mà tận tâm chăm sóc nhà nội bấy nhiêu. Bởi bất cứ mối quan hệ nào cũng thế, có cho đi mới mong được nhận lại, kể cả hôn nhân cũng không ngoại lệ.