Kỹ năng phân tích, đánh giá là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng đối với quá trình trẻ trưởng thành. Bởi điều này sẽ quyết định rất lớn đến các mối quan hệ xã hội và tỷ lệ đạt được thành công của con trong tương lai.
Cha ông ta thường dạy rằng "Đừng trông mặt mà bắt hình dong", nghĩa là không nên nhận xét, đánh giá người khác chỉ thông qua vẻ bề ngoài, mà cần phải có góc nhìn đa chiều, toàn diện hơn. Có như vậy thì trẻ mới có thể hiểu rõ được tính chất bên trong, dễ dàng phân định được đúng sai, từ đó rút ra được những bài học ứng xử phù hợp.
Dạy con đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài là đúng, nhưng chưa toàn diện và chính xác vì còn nhiều yếu tố khác cũng cần được xem xét (Ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, để có thể giáo dục con tốt trong vấn đề này thì không phải bậc phụ huynh nào cũng làm được. Thậm chí ngược lại còn có một số ông bố bà mẹ cố tình hoặc vô tình gieo cho trẻ những ngôn ngữ, hành động phiến diện khi nhìn nhận về người khác.
Cách ứng xử này của bố mẹ dần dần trở thành thước đo, quy chuẩn để con học hỏi và bắt chước theo. Từ đó trẻ hình thành thói quen, tính cách sống đánh giá mọi thứ thông qua vẻ bề ngoài và hời hợt bỏ qua việc xem xét các khía cạnh khác.
Vậy bố mẹ dạy con đánh giá người khác dựa trên vẻ bề ngoài là đúng hay sai, nên hay không nên? Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Ngọc Vui sẽ có những giải đáp, chia sẻ sâu sắc dưới đây dành cho các bậc phụ huynh về vấn đề này.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, bố mẹ có nên dạy con đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài không, vì sao?
Thường nguyên tắc nhiều bố mẹ nên sử dụng là dạy con đánh giá một cách đa diện và nhiều chiều, vẻ bề ngoài cũng là một yếu tố. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào vẻ bề ngoài rồi đưa ra kết luận thì nó chưa bao giờ là đủ.
Với câu hỏi "có nên dạy con đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài hay không" thì quan điểm của tôi là nên. Nhưng ngoài hình thức bên ngoài thì bố mẹ cần dạy con xem xét ở nhiều khía cạnh khác nữa.
Người ta thường nói "chọn mặt gửi vàng", điều này đúng nhưng không nên giáo dục con "trông mặt mà bắt hình dong". Thay vào đó, bố mẹ hãy dạy trẻ nhìn mọi việc dựa trên nguyên nhân, kết quả và bối cảnh tổng quan.
Tôi nghĩ rằng, vấn đề này không chỉ thông qua cách bố mẹ nuôi dạy mà còn ảnh hưởng từ lối sống của bố mẹ hàng ngày. Khi con trẻ nhìn vào đó, con có thể hiểu được việc cần phải đánh giá mọi thứ dựa vào yếu tố gì là phù hợp và chuẩn xác nhất.
Một đứa trẻ hay đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, cảm tính chủ quan mà không xem xét kỹ lưỡng bên trong, vậy đâu là yếu tố tác động khiến trẻ hình thành tính cách này?
Có nhiều yếu tố tác động khiến trẻ hình thành tính cách đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, cảm tính chủ quan:
Yếu tố đầu tiên là thông qua những lời dạy của bố mẹ, người lớn. Chẳng hạn như một số bậc phụ huynh sẽ giáo dục con cái với tư tưởng, con chỉ nên chọn những người bạn "tốt" để chơi cùng, và tốt ở đây là người bạn đó có điều kiện gia đình khá giỏi, địa vị xã hội cao, thường ăn mặc đẹp,...
Yếu tố thứ hai là thông qua những cách bố mẹ tương tác, ứng xử với mọi người xung quanh và trẻ sẽ học tập, bắt chước theo. Bởi đối với trẻ, bố mẹ luôn là hình mẫu lý tưởng để con noi theo. Chính vì thế cho nên mọi "nhất cử nhất động", lời ăn tiếng nói và hành động của bố mẹ đều sẽ được trẻ chú ý quan sát, từ đó trẻ sẽ thực hiện theo giống y như vậy.
Yếu tố thứ ba là thông qua môi trường xã hội. Nghĩa là khi người lớn hoặc bất kỳ một ai đó mà trẻ được tiếp xúc có những thái độ, đưa ra những lời nhận xét, đánh giá người khác dựa vào vẻ bề ngoài hoặc thậm chí là đánh giá chính bản thân trẻ. Trẻ cũng sẽ ngầm hiểu rằng, giá trị của một người nên được xem xét duy nhất ở khía cạnh này.
Biểu hiện nào ở trẻ giúp bố mẹ nhận ra con đang hình thành thói quen, tích cách sống đánh giá và bày tỏ thái độ với người khác thông qua vẻ bề ngoài?
Bố mẹ có thể dễ dàng nhận ra con đang hình thành thói quen, tích cách sống đánh giá và bày tỏ thái độ với người khác thông qua vẻ bề ngoài khi phát hiện con có các biểu hiện như:
- Con thường hay bàn luận, nói về các bạn học với bố mẹ, tuy nhiên đó không phải là nói về tính cách, tài năng mà chủ yếu là đặc điểm bên ngoài, diện mạo, quần áo, trang sức của các bạn,...
- Con thường hay so sánh "vì sao nhà bạn này giàu, vì sao bạn này có đồ chơi xịn, có quần áo đẹp,... còn mình thì không được như vậy".
- Con quá trau chuốt, chú tâm đến vẻ bề ngoài của bản thân, đặc biệt là đặt nặng cái nhìn của người khác dành cho mình. Chẳng hạn như trẻ hay hỏi bố mẹ "Hôm nay con cài chiếc kẹp tóc này có nổi bật không, nó có quê mùa không, liệu các bạn có thích và khen con không..."
Tóm lại, bố mẹ có thể thông qua hai yếu tố để biết được con có đang hình thành thói quen đánh giá mọi thứ thông qua vẻ bề ngoài hay không, đó là: cách trẻ nhận diện cuộc sống và nhận diện bản thân.
Nếu con có biểu hiện “yêu nên tốt, ghét nên xấu” thì bố mẹ nên có phương pháp điều chỉnh, định hướng như thế nào cho phù hợp?
Tôi tin rằng, sẽ có rất nhiều phương pháp giáo dục khác nhau để bố mẹ có thể điều chỉnh, định hướng con phù hợp, đúng đắn trong vấn đề này. Tuy nhiên, không có phương pháp nào là tốt hơn so với việc bố mẹ làm gương. Bố mẹ cho con có cơ hội được quan sát bản thân của bố mẹ, cách sống của bố mẹ.
Bên cạnh đó, bố mẹ dành thời gian để lắng nghe, trò chuyện với con về chủ đề này. Bố mẹ có thể thử đặt cho trẻ các câu hỏi như "Nếu một bạn trong lớp có điều kiện gia đình không tốt, nhưng bạn là người biết yêu thương, giúp đỡ người khác thì con có chơi với bạn không?"...
Khi bố mẹ thảo luận, lắng nghe quan điểm, cảm nhận của con sau đó hướng dẫn, tư vấn cho con thì chắc chắn trẻ sẽ hình thành những quan điểm đúng đắn trong vấn đề này. Từ đó, con sẽ biết nhìn nhận mọi việc với sự sâu sắc, tổng quan và tinh thần thấu hiểu, thay vì quá quan trọng vào vẻ bề ngoài.
Theo Thời báo vhnt