Thầy Nguyễn Văn Hòa là người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội). Mới đây, xuất hiện trong chương trình Vì sao nên lựa chọn xây dựng Trường học hạnh phúc?, thầy Hòa đã có những chia sẻ thiết thực về những kinh nghiệm thực tế trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc trong suốt 30 năm qua. Trong đó, câu chuyện về áp lực học tập, con cái phải gánh giấc mơ của cha mẹ được thầy kể lại đã thu hút nhiều sự chú ý.
Thầy Nguyễn Văn Hoà
Thầy Hòa cho biết, một bạn học của thầy thời phổ thông, cùng đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường, sau đó được quay trở về cùng gia đình. Người bạn này rất giỏi Toán, từng đi thi học sinh giỏi Toán miền Bắc, mong ước trở thành nhà Toán học. Nhưng chiến tranh kết thúc, quay trở lại đại học thì đã lớn tuổi, ước mơ trở thành nhà Toán học không còn thực hiện được nữa, phải "giao lại" cho con cái.
Vậy nên ông đã tìm cách cho con học trường chuyên từ bé cho đến lớn. Đến khi học THPT, đứa trẻ được vào chuyên Toán Trường Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông nghĩ rằng con được di truyền trí óc thông minh của mình, dứt khoát phải giỏi, hy vọng là thế hệ sau sẽ hơn thế hệ trước.
"Ông ấy chăm con lắm, tuần vài ba lần đưa con đi học thêm, tối mịt mới về. Lần nào con đi học đi thi về cũng hỏi con bao nhiêu điểm. Điểm 8, điểm 9 ông ấy chưa hài lòng, phải hỏi: Lớp này có đứa nào điểm 10 không? Bảo "có", thế là ăn đòn. Suốt từ năm 10 đến 15 tuổi, thằng bé liên tục bị ăn đòn. Bao nhiêu chổi đót tan tành trên mông đùi thằng bé. Nghe kể lại mà tôi cũng thấy thương. Nhưng tuổi của chúng tôi hồi đó không khác nhau đâu", thầy Hòa nói.
Sau đó, đến một lần bị bố đánh, đứa con đưa tay đỡ. Nó bảo rằng: "Bố ơi, con không học giỏi được như bố tưởng tượng đâu. Lớp con có đứa hơn con cả cái đầu cơ". Phản ứng này khiến ông bố sửng sốt, thấy "không ổn rồi". Từ đó trở đi ông không bao giờ đánh con, bắt con học nhiều nữa. Học được tới đâu hay tới đó, đúng với khả năng của nó.
Theo thầy Hòa, câu chuyện bây giờ có vẻ "lạ" nhưng thời của thầy là bình thường. "Lứa tuổi của tôi bấy giờ sau chiến tranh trở về ai cũng thế. Mình không làm được thì con mình làm. Tôi coi đó là một "bệnh truyền nhiễm", không nguy hiểm chết người ngay tức khắc nhưng sẽ nguy hiểm chết người nếu tính về lâu dài", thầy Hiệu trưởng chia sẻ.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cũng từng nghĩ giáo dục là đào tạo học sinh giỏi, tài năng nhưng nhận ra sai lầm khi mở trường tư, học trò ban đầu toàn "kém, quậy phá". "30 năm trước, khi mở trường tư, tôi đã viết trong tờ rơi tuyển sinh rằng ngôi trường này sẽ đào tạo học sinh giỏi, giúp chúng trở thành những đứa trẻ tài năng. Sau này, tôi nhận ra mình đã sai lầm", thầy Nguyễn Văn Hòa nhớ lại.
Thầy Hòa kể khi đó, thầy rất tâm đắc với nội dung được viết trên tờ rơi, nghĩ rằng nghe "kêu" thế thì sẽ nhiều phụ huynh gửi con vào trường. Tuy nhiên, trong năm đầu, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tuyển được khoảng 100 học sinh, "toàn học kém, quậy phá, hay đánh nhau".
Dù đã 50 tuổi, ông luôn phải giải quyết các cuộc ẩu đả của học sinh hay khiếu nại của phụ huynh đến mức bạc trắng đầu. Nhiều gia đình còn kéo đến trường mắng chửi, đe dọa ban giám hiệu vì cho rằng thầy cô quá khắt khe. Trong khi đó, nhiều học sinh chia sẻ vào trường vì trượt cấp ba công lập, mong thầy cô đừng nhìn các em với con mắt phân loại bằng điểm số.
Cha mẹ nào cũng mong muốn con đến trường được giỏi giang, thành tài. Thầy cô thì thi hành biện pháp: Qúa nhiều quy chế, quy định ngặt nghèo, kỷ luật hà khắc, theo quan niệm "thương cho roi cho vọt". Trẻ con chịu áp lực, chán chường, phá bĩnh. Áp lực lên thầy Hiệu trưởng, lên thầy cô giáo.
"Tôi hiểu rằng tư tưởng đào tạo nhân tài, học sinh giỏi thực sự tiêu tan", thầy Hòa nói, thấy rằng phải tìm cách thay đổi, tìm hướng đi mới cho trường Hiệu trưởng không "đau đầu", giáo viên không bỏ nghề. Mục tiêu của trường là phải là dạy học trò "nên người, làm người".
Điều đầu tiên thầy Hòa nghĩ tới là làm sao "cởi trói" cho học trò, không áp dụng quá nhiều quy chế, kỷ luật hà khắc, yêu cầu giáo viên không nặng lời khi các em bị điểm kém. Lý do là học tập chỉ là một trong nhiều năng lực của con người, không phải ai trong số hơn 22 triệu học sinh cũng là những người có tài năng học tập.
Khi học sinh không còn bị áp lực bởi điểm số hay thành tích, thầy Hòa nhận thấy học sinh có thái độ tích cực hơn. Các em được học cái mình thích, từ đó tự phấn đấu để theo đuổi mục tiêu của mình. Giáo viên cũng thoải mái và nhiều năng lượng trong giảng dạy hơn.
Nghiệm lại sau 30 năm mở trường tư, nhà giáo 78 tuổi thấy rằng dù học sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn nhiều em đạt chuẩn khá, giỏi theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nhưng phải đến 90% các em không gọi là nhân tài. Dù vậy, ông vui mỗi khi gặp lại hay nghe được tin tức về các em.
Theo Phụ nữ mới