Thông tin trên được nêu rõ trong văn bản đôn đốc lần thứ 4 của Bộ GTVT vừa gửi Thanh tra Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố về việc triển khai Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ và đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.
"Các Sở GTVT cần chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp camera theo quy định tại Nghị định số 10/2020. Thời gian thực hiện xong trước ngày 31/12/2021 theo Nghị quyết số 66 của Chính phủ" - văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Đối với bến xe khách, bến xe hàng, Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các phương tiện ra, vào bến thực hiện nghiêm các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Bên cạnh đó, tuyên truyền đến lái xe, đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera trên xe ô tô để tránh bị xử phạt từ ngày 1/1/2022.
Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT giao Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5/12. Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ Vận tải kiểm tra việc thực hiện tại địa phương có số lượng lớn phương tiện thuộc diện phải lắp camera hoặc tỷ lệ lắp còn thấp.
Trước đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 66 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021. Để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định lắp camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chính phủ quyết định lùi xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải, xe khách quy định tại Nghị định số 100/2019 đến hết ngày 31/12/2021.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã có nhiều văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương thực hiện lắp camera trên xe kinh doanh vận tải theo lộ trình tại Nghị định 10. Tổng số có hơn 200.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera giám sát, nhưng tính đến trung tuần tháng 11 mới có hơn 25.000 phương tiện kinh doanh vận tải đã lắp đặt camera, đạt tỷ lệ hơn 12%.
Ghi nhận của PV Dân trí, nguyên nhân khiến tỷ lệ lắp đặt camera giám sát còn thấp do chi phí thiết bị cao, giá lắp đặt thiết bị phần cứng từ 10-12 triệu đồng/xe, khó khăn vì dịch Covid-19 khiến nhiều nhà xe, chủ phương tiện trì hoãn.
Với hạn chót là 31/12/2021 một số loại xe kinh doanh vận tải phải hoàn thành lắp đặt camera giám sát theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, nhiều nhà cung ứng đã tham gia thị trường tạo ra cuộc đua khốc liệt, nên buộc phải đổi mới công nghệ để đáp ứng các quy định, giá cả và chất lượng. Hiện nay giá lắp đặt thiết bị phần cứng đã giảm còn khoảng 3-5 triệu đồng/xe.
Ngày 4/11, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành tiêu chuẩn quốc gia TCVN13396 về camera giám sát hành trình. Để được chứng nhận, sản phẩm phải qua công đoạn được Tổng cục Đo lường chất lượng đánh giá về chất lượng và phù hợp với Nghị định 10 cùng các văn bản liên quan. Cơ quan chức năng đã cấp chứng nhận đầu tiên đạt tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm BA-SmartCamera, thiết bị này sử dụng công nghệ trong nước.
Theo đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, các đơn vị vận tải vẫn có thể chọn camera theo tiêu chí của Nghị định 10 và thông tư 12. Tuy nhiên, lắp camera theo TCVN13396 sẽ tối ưu và tiết kiệm lâu dài, bởi được tích hợp thiết bị giám sát hành trình công nghệ 4G, nên không cần sử dụng thiết bị giám sát hành trình 2G cũ đã lắp.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm lắp camera: Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5-6 triệu đồng với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1-3 tháng đối với xe vi phạm.
Châu Như Quỳnh