Bộ GD-ĐT thừa nhận có chuyện nhà trường ép học sinh mua sách tham khảo

Minh An| 24/10/2020 20:35

Việt BáoBộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về những vấn đề lùm xùm xung quanh sách giáo khoa thời gian vừa qua.

Về việc “ép” học sinh mua sách tham khảo, Bộ GD-ĐT cho biết, để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải đối với học sinh, Bộ đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.
Tuy nhiên, một số nhà trường ở một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng giáo viên lập danh mục sách tham khảo kèm theo SGK gửi cho cha mẹ học sinh để đăng ký mua "tự nguyện", gây băn khoăn trong dư luận.
Tình trạng bán SGK và sách tham khảo như bán "bia kèm lạc"
Để tăng cường hơn nữa các quy định về việc sử dụng sách tham khảo trong dạy học ở các nhà trường, Bộ GD-ĐT đang rà soát, chỉnh sửa Thông tư 21 để quản lý chặt chẽ hơn, trong đó nghiêm cấm việc "ép" học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào và có chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp vi phạm.

Đối với chương trình môn tiếng Việt lớp 1, cử tri và giáo viên, phụ huynh phản ảnh chương trình nặng, Bộ GD-ĐT cho hay do chương trình mới, với quan điểm học sinh đọc thông viết thạo ngay sẽ học tốt hơn các môn học khác nên đã cơ cấu thời gian đầu cấp tiểu học môn tiếng Việt nhiều hơn.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, học sinh cũng chưa có điều kiện làm quen và giáo viên phải tập huấn trực tuyến là chính, có ít thời gian tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới.

Vì vậy để triển khai hiệu quả chương trình, bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng phân bổ hợp lý nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn, hoạt động giáo dục để không gây quá tải; tăng cường tập huấn chuyên môn...

Với những điểm chưa phù hợp trong bộ sách Cánh Diều, Bộ GD-ĐT cho hay đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định SGK rà soát, kiểm tra và kết luận cụ thể các nội dung phản ảnh. Các bên thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách cho phù hợp.

Trong đó chỉnh sửa ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài học cho phù hợp với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá", "Hai con ngựa", "Lừa, thỏ và cọp"... hay một số từ khó hiểu, ít dùng như "nhá", "nom", "chén"... thay thế sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn bài đa nghĩa và lựa chọn trong kho tàng văn học Việt Nam.

Bộ GD-ĐT cho hay tiếp tục nhận các thông tin phản ánh, góp ý ở nhiều kênh để nghiên cứu kịp thời giải pháp, rà soát tất cả các sách lớp 1 mới, hỗ trợ nhà trường và giáo viên trong dạy học nhằm nâng cao chất lượng.

Bài liên quan
  • Tiếng Việt trên đất Lào: Kết nối con người, sẻ chia văn hóa
    Những lớp học tiếng Việt tại Lào không chỉ là nơi gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho cộng đồng người Việt xa xứ, mà còn là nhịp cầu văn hóa, giúp người Việt và người Lào thêm gần gũi. Đằng sau mỗi con chữ là nỗ lực không ngừng nghỉ của những người gieo chữ, mang trong mình sứ mệnh vun đắp tình hữu nghị hai dân tộc.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT thừa nhận có chuyện nhà trường ép học sinh mua sách tham khảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO