Chiều 26/8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục đại học, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều hơn năm 2021.
"Nếu như năm 2021, Thanh tra Bộ ra 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì từ năm 2022 đến tháng 9/2023, chúng tôi ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã đươc mở ngành", ông Cường nói.
Các sai phạm thể hiện ở nhiều mảng hoạt động, lĩnh vực trong công tác giáo dục. Các trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo. Hội đồng trường chưa kiện toàn thành phần theo quy định; chưa xây dựng, phê duyệt đề án vị trí việc làm; chưa kịp thời kiện toàn ban giám hiệu.
Bên cạnh đó nhiều đơn vị chưa xây dựng, ban hành văn bản, quy chế theo thẩm quyền hoặc ban hành văn bản, quy chế chưa đầy đủ và đúng quy định pháp luật, đặc biệt là quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính; vi phạm quy định trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức.
Ngoài ra, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo; chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền...
Một số cơ sở giáo dục cũng chưa thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ theo quy định, đặc biệt là thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, học phí, tuyển sinh, thông tin về văn bằng, chứng chỉ. Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa được chú trọng, nặng về hình thức, còn có những hoạt động mang tính đối phó.
Về vi phạm quy định trong công tác quản lý tài chính, Đại diện Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, một số đơn vị đào tạo thực hiện các khoản thu, chi, trích lập các quỹ chưa đúng quy định. Kết quả giải ngân chưa đúng tiến độ kế hoạch. Đặc biệt, công tác quản lý hồ sơ của người học, thực hiện chế độ chính sách đối với người học, chế độ học bổng, học phí, miễn giảm học phí chưa thực hiện đúng.
Về sai phạm trong công tác quản lý, hoạt động giáo dục, ông Cường cho rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật quy định về đào tạo đại học còn có những bất cập; ban hành văn bản quy định, văn bản hướng dẫn còn chậm... Một số cơ sở giáo dục đại học chưa hiểu đúng về tự chủ đại học nên triển khai chưa đúng.
"Trước thực trạng trên, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về giáo dục đại học, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Về phía cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị cần hoàn thiện thể chế nội bộ; thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của Bộ về tuyển sinh, đào tạo; cũng như cần cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ", ông Cường nhấn mạnh.