Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm tra tại Đại học Tôn Đức Thắng từ ngày 9-11/5/2022, về việc thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ; tuyển sinh, liên kết, đào tạo từ xa, tự chủ mở ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.
Nôn nóng công bố quốc tế
Theo báo cáo vừa công bố, Đoàn kiểm tra đánh giá Đại học Tôn Đức Thắng đã ban hành và kịp thời điều chỉnh, bổ sung chiến lược, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển, trong đó có lĩnh vực khoa học công nghệ; các quy định liên quan đến chế độ, chính sách của giảng viên, nghiên cứu viên được quy định rõ ràng; hoạt động nghiên cứu khoa học của người học được quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên, Đoàn đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của trường. Từ năm 2019 - 2020, Đại học Tôn Đức Thắng có biểu hiện “nôn nóng” trong việc công bố quốc tế, không dựa trên định hướng thế mạnh thực tế của trường. Số lượng công bố quốc tế không dựa vào tiềm lực sẵn có của trường mà chủ yếu dựa vào cán bộ kiêm nhiệm ngoài trường (trong và ngoài nước). Công bố quốc tế của Đại học Tôn Đức Thắng có tác giả là người nước ngoài và cán bộ kiêm nhiệm là người trong nước rất cao, chiếm tới 70% tổng số công bố quốc tế của trường trong giai đoạn 2019 - 2021.
Kinh phí chi cho công bố quốc tế các năm 2019, 2020 của trường chiếm tỷ lệ 10 - 14% nguồn thu từ học phí. Điều này không phù hợp với Nghị định 99/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hằng năm, dành tối thiểu 3% kinh phí từ nguồn thu học phí của cơ sở giáo dục đại học để cho sinh viên và người học hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đoàn kiểm tra cũng chỉ rõ trong những năm trước, trường đã xây dựng và ban hành một số chủ trương chính sách thúc đẩy công bố quốc tế chưa tập trung vào việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ các nhà khoa học cơ hữu của nhà trường.
Các kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế chủ yếu dựa vào việc hợp tác với các nhà khoa học ngoài trường, đặc biệt là các nhà khoa học nước ngoài. Kinh phí chi trả cho hoạt động công bố quốc tế không hợp lý, mất cân đối với các nguồn kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực hoạt động khác của nhà trường.
Một năm không tuyển được chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ
Về công tác đào tạo, Đoàn kiểm tra kết luận Đại học Tôn Đức Thắng đạt được một số tiến bộ, triển khai thực hiện đề án thí điểm tự chủ Thủ tướng phê duyệt năm 2015. Nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, giảng đường, khu tập thể dục, thể thao, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện khang trang, hiện đại.
Trường tuyển sinh đại học tốt, trong 3 năm liền, từ 2019 - 2021, đều tuyển đủ (thậm chí vượt) chỉ tiêu đã đăng ký. Nhưng với tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, năm 2021 trường không tuyển được chỉ tiêu nào. Trường không đảm bảo duy trì đội ngũ giảng viên (GV) cơ hữu để mở một số ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Chẳng hạn, giảng viên người nước ngoài chủ trì mở ngành đào tạo nhưng đây chỉ là giảng viên được ký hợp đồng thỉnh giảng, hoặc hợp đồng ngắn hạn.
Về lĩnh vực đào tạo, Đoàn kiểm tra đưa ra 7 kiến nghị, trong đó đề nghị trường rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; rà soát việc ký kết hợp đồng lao động với giảng viên là người nước ngoài bảo đảm đúng quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...
Một số chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của trường không có giảng viên cơ hữu là GS hoặc PGS chủ trì ngành đào tạo; một số ngành chủ trì ngành là GS, PGS người nước ngoài; một số ngành GS, PGS chủ trì là người đã nghỉ hưu và có ngành không đủ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ ngành phù hợp. Ví dụ, các ngành đào tạo tiến sĩ như Khoa học máy tính do GS nước ngoài chủ trì là người đã nghỉ hưu; các ngành đào tạo thạc sĩ có người chủ trì là người nước ngoài hoặc đã nghỉ hưu như Kế toán, Kỹ thuật điện, Luật kinh tế, Mỹ thuật ứng dụng, Quản lý thể dục thể thao, Xã hội học.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đối với công tác khoa học và công nghệ, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đưa ra 5 kiến nghị. Trước hết, yêu cầu Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức rà soát, hoàn thiện quy định về hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Có chính sách, quy định về kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế thực chất đóng góp hiệu quả cho việc nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và chất lượng đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo sau Đại học của nhà trường.
Trường cần bố trí kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ (trong đó có kinh phí chi cho công bố quốc tế) hợp lý, đảm bảo cân đối với nguồn thu của trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường rà soát, dừng ký kết hợp đồng đối với cán bộ không thực hiện hợp tác nghiên cứu, không hướng dẫn học viên sau đại học, không tham gia hoạt động chuyên môn của trường. Trường cần có kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm việc nợ đọng kinh phí công bố quốc tế với các tác giả đã ký kết hợp đồng trong giai đoạn 2019 - 2021 theo đúng quy định pháp luật; rà soát, xây dựng, ban hành quy định về liêm chính học thuật phù hợp với thông lệ quốc tế.