Ngày 22/7, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT thông tin, hiện cả nước có 390.000 thí sinh đã đăng ký nguyện vọng, còn khoảng hơn 550.000 thí sinh chưa đăng ký. Các em còn 8 ngày nữa để tiếp tục đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng.
Với những thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng, bà Thủy cho rằng các em nên bổ sung thêm nhiều nguyện vọng khác vì nếu có rủi ro, hệ thống của Bộ còn xét tuyển tiếp để thí sinh có được các cơ hội khác. Thí sinh nên xếp nguyện vọng mình yêu thích nhất và cảm thấy phù hợp nhất lên đầu.
Đồng thời, bà Thủy cũng khuyên thí sinh không cần đăng ký cả trăm nguyện vọng, điều từng xảy ra vào các năm trước.
Với nhóm thí sinh đã trúng tuyển sớm, Vụ trưởng Giáo dục đại học cũng lưu ý các em vẫn phải làm thao tác cuối cùng là đăng ký lên hệ thống của Bộ và nộp lệ phí đúng quy định.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải pháp giảm tình trạng ảo bằng cách yêu cầu thí sinh đăng ký tất cả nguyện vọng lên hệ thống xét tuyển. Theo đó, cho dù thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng vẫn chỉ được xác định trúng tuyển một nguyện vọng đặt ưu tiên cao nhất, đủ điều kiện đỗ.
"Vì thế, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng không hề chiếm chỗ của thí sinh khác như phụ huynh lo lắng", bà Thủy khẳng định.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý thí sinh nên dựa trên số điểm đã đạt được để chọn theo "ba cấp".
Cấp thứ nhất, các ngành có dự kiến điểm chuẩn cao hơn số điểm mình đạt được (phòng khi điểm chuẩn các ngành đó giảm).
Cấp thứ hai, nhóm các ngành có mức điểm chuẩn ngang bằng với số điểm mình đạt được. Cấp cuối cùng là những ngành có mức điểm chuẩn thấp hơn khả năng của mình.
"Không đến mức 100 nhưng mỗi nhóm, thí sinh nên đăng ký 2-3 nguyện vọng. Sau đó, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Với cách đăng ký như vậy, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh gần như tuyệt đối", ông Triệu nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, kinh nghiệm các năm trước cho thấy, thí sinh không có chiến thuật tốt trong sắp xếp nguyện vọng có thể bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển vào các ngôi trường yêu thích, thậm chí không thể trúng tuyển đại học vì những sai lầm không đáng có.
Ông nhận định, năm nay nhờ hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ không bị nhầm lẫn trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau cũng như các tổ hợp. Các em chỉ cần chọn ngành, trường mà mình mong muốn. Điều này giúp thí sinh giảm sai sót trong quá trình xét tuyển.
Các em cần chọn đầy đủ các dữ liệu (như học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực…) rồi đánh đúng, tích đủ. Khi đó, hệ thống sẽ đảm bảo xét tuyển cho thí sinh bất kỳ phương thức nào vì đã có đủ dữ liệu.
Những thí sinh đã trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nếu thực sự yêu thích ngành đó, trường đó thì hãy đặt lên nguyện vọng 1. Nếu không, thí sinh hoàn toàn có thể đặt nguyện vọng này xuống phía dưới và đặt những lựa chọn yêu thích hơn lên trên.
Tuy nhiên, cần nhớ lựa chọn tích các nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện vào danh sách đăng ký nguyện vọng của mình và sắp xếp theo thứ tự từ yêu thích nhất xuống dần, ông Khánh chia sẻ thêm.